Địa đạo Long Phước (xã Long Phước, TP. Bà Rịa) là một di tích lịch sử, mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đoạn địa đạo bị sụt lún, hư hỏng, cần được trùng tu, tôn tạo.
Chúng tôi theo chân đoàn khảo sát xây dựng tour của Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh đến địa đạo Long Phước vào ngày cuối tháng 8. Anh Võ Thành Đức, cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Bà Rịa, bảo vệ kiêm hướng dẫn viên tại địa đạo cho biết, địa đạo được bắt đầu đào từ năm 1948 và phát triển trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với tổng chiều dài 3.500m, chạy qua 5 ấp trong xã. Sau này, khi phục chế, chỉ tôn tạo 1.200m địa đạo ở ấp Bắc. Thế nhưng, anh Đức chỉ dẫn chúng tôi tham quan được 100m địa đạo rồi quay lên. “Hiện nay địa đạo còn 400m có thể đi lại, tham quan được, trong đó chỉ có 100m được thắp sáng bằng đèn điện là chúng tôi thường dẫn khách tham quan”, anh Đức giải thích.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty du lịch Alpha Travel (TP. Vũng Tàu) cho biết, mỗi năm Alpha Travel đưa khoảng 30 đoàn khách đến địa đạo Long Phước. Hôm đầu tháng 8, ông dẫn đoàn 9 khách Hà Lan đến đây. Các vị khách nước ngoài rất thích thú khi được khám phá lòng địa đạo, nhưng họ cảm thấy tiếc nuối vì chỉ đi được quãng đường quá ngắn, chưa “đã”. Ngoài ra, trong khuôn viên địa đạo cũng không có dịch vụ gì thêm nên họ chỉ tham quan địa đạo và chụp hình lưu niệm xong là rời đi.
Anh Đức cho biết thêm, trung bình mỗi năm địa đạo Long Phước đón khoảng 200 đoàn khách, với tổng số khoảng 10.000 lượt người, riêng 8 tháng đầu năm, đã có gần 6.500 lượt khách đến thăm, trong đó khoảng 1/3 là khách nước ngoài. Thế nhưng, thực trạng của địa đạo hiện khá buồn. Địa đạo bị 2 hố sụt, mỗi hố có chiều dài khoảng 10m, bịt luôn lối đi trong lòng địa đạo, chưa kể 5 hố khác đã được gia cố. Một số hạng mục khác của địa đạo cũng xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu tham quan như: một số bóng đèn lắp trong địa đạo đã hư, thiếu ấn phẩm giới thiệu, một số ma-nơ-canh mô phỏng hình ảnh chiến sĩ cách mạng hoạt động trong địa đạo bị rách quần áo …
Hiện nay, có 2 người làm việc tại địa đạo Long Phước là anh Đức và ông Nguyễn Ngọc Mẫn. Họ vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vừa kiêm thuyết minh viên, quét dọn. “Chúng tôi đã phản ánh thực trạng trên và đề nghị Phòng Văn hóa-Thông tin (VH-TT) TP. Bà Rịa cấp kinh phí thay bóng đèn, may quần áo cho ma-nơ-canh và khắc phục tình trạng sụt lún nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi”, anh Đức cho biết.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Trung, Trưởng phòng VH-TT, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao (VH-TT-TT) TP. Bà Rịa cho biết, từ năm 2013, Bảo tàng tỉnh chuyển giao địa đạo Long Phước cho Phòng quản lý. Hiện tại, hoạt động của địa đạo gặp khó khăn do kinh phí được cân đối từ kinh phí của Trung tâm VH-TT-TT thành phố. Lãnh đạo phòng cũng đã biết được thực trạng tại địa đạo và đang lập kế hoạch xin kinh phí khắc phục. Theo ông Trung, địa đạo đã nhiều lần được trùng tu nhưng thường bị sụt lún vì ảnh hưởng của thời tiết và xuống cấp theo thời gian. Hiện nay, dự án trùng tu địa đạo Long Phước đang được chỉnh sửa lần cuối, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2017, với tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỷ đồng. Theo dự án này, toàn bộ chiều dài 1.200m của địa đạo sẽ được khôi phục, đồng thời gia cố để địa đạo an toàn hơn, có khuôn viên, nhà khách, nhà trưng bày, có nội dung thuyết minh chính xác, đầy đủ hơn, giúp du khách hiểu rõ về những giá trị của địa đạo, có các gian hàng lưu niệm bán đặc sản địa phương… quanh địa đạo để phục vụ du khách.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH
Địa đạo Long Phước được xây dựng từ năm 1948, là một địa đạo trong lòng dân, nơi ghi dấu nhiều trận đánh quyết liệt, giữ ấp và cơ sở cách mạng. Địa đạo có hầm bí mật dự trữ lương thực, vũ khí, cứu chữa thương binh, các công sự chiến đấu ở cả 5 ấp: Đông, Tây, Nam, Bắc và ấp Phước Hữu thuộc xã Long Phước. Đường địa đạo xương sống cách mặt đất 2-3m, lòng địa đạo cao 1,5-1,6 m, rộng 0,6-0,7m, bảo đảm đi lại vận động dễ dàng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, địa đạo đã trở thành thế trận vững chắc để lực lượng cách mạng bám trụ kiên cường đánh bại nhiều cuộc tấn công của địch. Địa đạo được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990. |