Theo chân bà Trịnh Thị Huyền, Phó Chủ tịch HĐND xã Việt Đoàn, chúng tôi đến thăm vườn nhãn của gia đình ông Tích. Qua trao đổi được biết, trước đây cả khu vườn này trồng toàn vải, ổi, nhãn… Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất, nhận thấy giống những loại cây trồng này không phù hợp do thời gian thu hoạch ngắn và hiệu quả kinh tế không cao nên ông Tích thấy cần phải chuyển đổi một loại cây trồng khác để tăng thêm thu nhập. Trong một lần tình cờ về huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), thấy có giống nhãn chín muộn với nhiều ưu điểm: quả to, chất lượng ngon, chùm hoa thưa, cánh hoa to, dày, khi gặp mưa, hoa không bị rụng, tỷ lệ đậu quả cao, thời gian thu hoạch muộn hơn nhãn địa phương gần 1 tháng và có nhiều ưu điểm phù hợp với vùng đất quê mình. Năm 2009, ông chặt hết 3 mẫu vải, dọn sạch vườn đầu tư cải tạo lại đất rồi đặt mua 300 cây giống về trồng thử.
Vườn nhãn chín muộn của gia đình ông Tích
Do nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc hợp lý, sau 3 năm thu hoạch được 1 tấn quả cho thu nhập vài chục triệu đồng/vụ. Những cây nhãn trong vườn nhà ông chỉ cao tầm hơn 2-3m mà quả xum xuê, đứng dưới đất cũng có thể thu hoạch, giá bán đạt trung bình từ 25- 30 nghìn đồng/kg, cao gấp gần 1,5 lần so với nhãn chính vụ và được nhiều lái buôn từ trong tỉnh về đặt mua. Hiện nay, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 10 tấn quả trở lên, trừ chi phí cũng thu về khoảng 230 triệu đồng.
Để có được thành công như ngày hôm nay, ông Nguyễn Văn Tích không ngừng trau dồi thêm kiến thức, tìm tòi học hỏi những phương thức, mô hình sản xuất mới cũng như áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đưa chúng tôi ra thăm vườn nhãn trĩu quả tới ngày thu hoạch, ông Tích vô cùng phấn khởi: “Đây là giống nhãn Miền đột biến. Để trồng nhãn năm nào cũng thành công, quả to, đều, chất lượng ngon, năng suất thì phải biết kết hợp hài hoà giữa ứng dụng khoa học kỹ thuật với kinh nghiệm chăm sóc nhãn như: ngay sau khi thu hoạch quả là thời gian cây nhãn bị tổn thương nhất trong năm, cây yếu nhất, vì vậy việc đầu tiên gia đình phải làm là cho cây ăn để cây đâm lộc thu. Sau đó tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, trả lại sức khoẻ cho cây, đảm bảo sự phục hồi, sinh trưởng và phát triển. Việc tạo tán, tỉa bớt cành yếu làm cho cây thưa cành, tán rụt lại không để vươn quá cao, mục đính là để phân hoá mầm nhanh. Liền sau công việc này là xới, xáo gốc, vệ sinh vườn sạch sẽ, trước và sau khi cây ra hoa đậu quả thì phun thuốc vi lượng là cây phát triển tốt”.
Qua thời gian trồng thử nghiệm thấy giống nhãn phù hợp với đất đai, khí hậu tại địa phương nên sai quả, quả to, cùi dày, giòn, thơm ngon và được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, tư thương khắp nơi đến tận vườn thu mua vì nhãn của gia đình có mẫu mã đẹp, chất lượng ngon và là giống nhãn hiếm trên thị trường. Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Tích đang trở thành điểm đến để học tập kinh nghiệm của đông đảo nhân dân trong và ngoài xã.
Say mê tìm tòi, sáng tạo trong sản xuất không chỉ giúp cho mô hình trồng nhãn của ông Tích mang lại hiệu quả kinh tế cao tạo tính bền vững cho canh tác nông nghiệp mà còn từng bước làm thay đổi nhận thức, cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nhân dân trong vùng. Thành công của mô hình trồng cây ăn quả trên diện tích đất vườn đồi cũng là bài học quý giá, giúp bà con nông dân có thêm kinh nghiệm trong sản xuất, từ đó có hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.