Năm 2010, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương với bao khó khăn về kinh tế, anh Sinh luôn trăn trở để tìm ra cho mình một hướng đi với mong muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo bao đời của gia đình. Đến năm 2011, khi huyện Xín Mần thực hiện chủ trương trồng ngô hàng hóa với chính sách cho người dân vay vốn và phân bón không lãi, anh Sinh đã mạnh dạn đăng ký trồng 1,5 ha ngô. Sau 6 tháng thu hoạch, anh Sinh bán toàn bộ số ngô, thanh toán trả hết tiền vay và còn lãi trên 35 triệu đồng. Đây quả là số tiền không nhỏ đối với người dân nghèo vùng cao.
Từ thành công bước đầu, đến năm 2012, anh Sinh tiếp tục trồng 1,5 ha ngô hàng hóa và đầu tư trồng thêm 1,0 ha dong riềng cùng 0,8 ha gừng. Đến cuối năm 2012, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh Sinh còn lãi trên 60 triệu đồng. Không chỉ tái mở rộng trồng trọt các loại cây trồng chủ yếu, bước sang năm 2013, gia đình anh Sinh đã đầu tư chuồng trại để nuôi lợn đen sinh sản và lợn thương phẩm. Bên cạnh đó, từ số tiền lãi trong quá trình trồng trọt, anh Sinh đã đầu tư mua 2 bò cái sinh sản. Tại thời điểm tháng 8/2016, gia đình anh Sinh đã có khoảng 20 con lợn đen có trọng lượng từ 50 – 60 kg/con, 28 con dê, 8 con bò và nhiều gia súc, gia cầm khác có trị giá hàng trăm triệu đồng.
Với tinh thần cần cù lao động và ý chí vươn lên thoát nghèo, trong những năm vừa qua, gia đình anh Sinh đã đầu tư trồng thử nghiệm gần 0,9 ha cây hoa tam giác mạch, một loại cây có hoa nhiều màu sắc tạo cảnh quan du lịch tại 2 huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Hà Giang. Đây cũng chính là một nguồn thu nhập lớn đối với gia đình anh Sinh khi du khách thập phương thuê hiện trường vường hoa tam giác mạch để chụp ảnh (bình quân từ 7 – 10 triệu đồng/vụ). Bên cạnh đó, hạt của cây tam giác mạch còn được dùng để làm bánh khá ngon, nhất là hạt của cây hoa tam giác mạch được xay nhỏ và phối trộn với ngô để nấu rượu sẽ là một đặc sản của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Anh Sùng ở vườn hoa tam giác mạch của gia đình
Anh Sinh tâm sự, mặc dù Xín Mần là một huyện vùng cao biên giới của Hà Giang còn vô vàn khó khăn, còn nhiều hộ phải đói nghèo, nhưng nếu có ý chí và quyết tâm thì người dân vẫn có thể vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính quê hương mình.
Không chỉ có ý chí vươn lên thoát nghèo, với vai trò của một người trưởng thôn gương mẫu, anh Sinh luôn tham gia vận động người dân cần thực hiện tốt quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo và thực hiện tốt các qui ước, hương ước của thôn xóm như thực hiện nếp sống văn minh trong ma chay, cưới hỏi, từ bỏ những hủ tục lạc hậu đã duy trì qua nhiều đời nay….
Ông Bùi Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Gia đình anh Sùng A Sinh là tấm gương vươn lên vượt khó để thoát nghèo điển hình của huyện. Mô hình thoát nghèo trên vùng đất khó của gia đình anh Sinh thực sự là tấm gương sáng để đồng bào các dân tộc huyện Xín Mần học tập và noi theo.
Từ những thành tích vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu trên vùng đất khó, từ năm 2013 đến nay, gia đình anh Sùng A Sinh đã được UBND huyện Xín Mần tặng giấy khen là hộ sản xuất giỏi điển hình của địa phương.