|
Người dân mua chuối hỗ trợ nông dân Xuyên Mộc tại siêu thị U-Mart (TP.Vũng Tàu). |
Người dân mua chuối hỗ trợ nông dân Xuyên Mộc tại siêu thị U-Mart (TP.Vũng Tàu). Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính phong trào, nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm, luôn trong tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Con đường nào trong tương lai có thể giúp nông dân thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó, đưa ngành nông nghiệp đột phá đi lên? Lãnh đạo tỉnh BR-VT đang quyết tâm tìm bằng được câu trả lời!
Chỉ trong 3 tháng đầu năm, trên cả nước đã có 3 cuộc “giải cứu nông sản”! Tại BR-VT cũng không là ngoại lệ khi cuộc “giải cứu chuối” rầm rộ diễn ra vào cuối tháng 2-2017. Hàng loạt nông sản khác cũng rớt giá thê thảm bởi cung vượt cầu.
NÔNG SẢN “ĐƯỢC MÙA RỚT GIÁ”
Cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 - 2017, bà con nông dân trồng chuối tại xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) dù đạt năng suất cao nhưng cũng không thể vui vì chuối rớt giá quá thấp, thậm chí để rụng đầy vườn vì không bán được. Bình quân mỗi ha chuối thu hoạch được 50-60 tấn trái, giá bán từ 15.000 đồng/kg rớt xuống chỉ còn 1.500 -2.000 đồng. Ông Cao Văn Thắng (tổ 5, ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm) - một trong những hộ đầu tiên đưa giống chuối cấy mô về trồng tại đây cho biết, trước đây thấy trồng chuối có lãi cao nên đầu năm 2016, ông đầu tư 1,2 tỷ đồng thuê thêm đất và mua thêm cây giống về phát triển 9ha, nâng diện tích chuối cấy mô của gia đình lên 10ha. Thế nhưng, khi bước vào vụ thu hoạch thì giá chuối sụt giảm mạnh chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg mà thương lái cũng không mua, ông Cao Văn Thắng đã phải chua xót đổ bỏ gần 8 tấn chuối. Sau đó cuộc “giải cứu” chuối đã được diễn ra để nhằm thu hồi lại vốn cho bà con trồng chuối.
Không chỉ có chuối, giá quýt thời gian qua cũng giảm từ 8-10.000 đồng/kg, chỉ còn 15-16.000 đồng/kg. Tại xã Tân Lâm, địa phương trồng hơn 150ha, bà con nông dân đành phải “neo trái” vì bán sẽ không đủ chi phí chăm sóc. Bà Nguyễn Thị Chép, người trồng quýt tại xã Tân Lâm cho biết, với mức giá như trên thì người trồng quýt bị lỗ khá nặng. Quýt phải bán được 20.000 đồng/kg thì nông dân mới hòa vốn và muốn có lãi phải bán với mức giá 22.000 - 25.000 đồng/kg.
Trong khi đó, hồ tiêu – một trong những cây trồng “vàng” những năm gần đây hiện cũng giảm chỉ còn 110-120.000 đồng/kg. Lý giải về vấn đề này, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, mọi năm tầm quý I chỉ có 3 nước là Việt Nam, Campuchia và Ấn Độ thu hoạch tiêu, năm nay có thêm Brazil nên nguồn cung tăng. Ngoài ra, do diện tích trồng tiêu tăng khá nhanh vì giá có lúc lên đến 250.000 đồng/kg nên nông dân ồ ạt trồng, khiến sản lượng tiêu năm sau luôn cao hơn năm trước. Ông Nguyễn Hữu Hiền, hộ trồng tiêu tại thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) cho biết: Những năm trước, giá tiêu 200.000/kg nhưng năm nay rớt mạnh chỉ còn 110.000/kg. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện do cầu vượt cung nên việc tiêu thụ cũng không mấy thuận lợi như những năm trước.
|
Ông Huỳnh Minh Nghĩa (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) lo lắng bởi giá dưa giảm sâu, lỗ gần 100 triệu đồng/ha. |
CÀNG NUÔI CÀNG LỖ
Theo phản ánh của bà con nông dân, chưa năm nào mà hàng loạt nông sản rớt giá nhiều như năm nay. Không chỉ có heo, gà mà hàng loạt cây ăn trái, cây công nghiệp giảm giá mạnh, thu không đủ chi.
Trang trại chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Hương (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) có những thời điểm nuôi hàng trăm con, nhưng hiện nay trong chuồng chỉ còn nuôi khoảng 60-70 con heo. Bà Hương cho biết, những năm trước trung bình mỗi lứa nuôi trong chuồng bà luôn có hơn 200 heo thịt và 80 heo nái. Thế nhưng từ giữa năm 2016, giá heo liên tục giảm, từ 45-46.000 đồng/kg giảm còn 26-27.000 đồng/kg. “Với giá bán này, mỗi con heo đang phải chịu lỗ từ 500-700 ngàn đồng. Nếu giá này tiếp tục kéo dài thì càng nuôi càng lỗ, chúng tôi chịu không thấu và buộc phải treo chuồng”, bà Hương nói.
Tình trạng thua lỗ liên tục đang khiến các chủ trại heo hết sức lao đao. Hầu hết các trang trại có số lượng từ 500-1.000 con trở lên không còn sức để duy trì đàn heo. Ông Nguyễn Thanh Đính, chủ một trang trại nuôi heo ở xã Láng Lớn (huyện Châu Đức) cho biết, với 680 con heo xuất chuồng đợt vừa rồi, ông đã bị lỗ khoảng 272 triệu đồng. Cách đây 1 tháng giá heo có nhích lên 30-32.000 đồng/kg, ông Đính đã mạnh dạn tái đàn với số lượng như cũ. “Tuy nhiên, nếu giá heo cứ quẩn quanh mức 26-27.000 đồng/kg thì đến thời điểm heo xuất chuồng, gia đình tôi sẽ bị lỗ 600-700 triệu đồng”, ông Đính cho biết.
Trong khi các trang trại chăn nuôi heo đang phải giảm đàn vì thua lỗ thì nhiều hộ chăn nuôi gà cũng đang “khóc ròng” vì không bán được, giá giảm còn một nửa so với trước Tết nguyên đán. Nhiều hộ chăn nuôi không cầm cự nổi phải “treo” chuồng. Ông Nguyễn Đức Thuận, hộ chăn nuôi gà tại xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) cho biết: Chưa năm nào ngành chăn nuôi gặp khó khăn như năm nay khi giá heo, gà liên tiếp lao dốc. Hơn 2.000 con gà ta được thả nuôi từ tháng 12-2016 đã đến thời kỳ xuất chuồng nhưng thương lái không mua, hoặc mua nhỏ giọt từ 15-20.000 con/ngày với giá quá thấp, chỉ 40.000 đồng/kg, giảm gần 1 nửa so với trước Tết nguyên đán 2017. Với giá bán này ông Thuận đang chịu lỗ 10.000 – 15.000 đồng/con gà. Hiện đàn gà đã quá lứa (trọng lượng 2,5-2,7kg/con), hàng ngày ông Thuận phải chở đi bán lẻ tại TP. Vũng Tàu để mong giảm lỗ. “Với 2.000 con gà tôi đã phải vay ngân hàng 180 triệu đồng bao gồm chi phí giống, thức ăn, vắc xin phòng dịch. Nhưng giá bán rẻ thế này thì tôi không thể nào thu hồi vốn để trả nợ ngân hàng”, ông Thuận cho biết thêm.
TRỒNG THEO PHONG TRÀO KHÓ TRÁNH CẢNH
“ĐƯỢC MÙA RỚT GIÁ”
Từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp liên tục gặp khó khăn. Điệp khúc “được mùa rớt giá” liên tục tái diễn. Nguyên nhân là do hiện nay nhiều loại nông sản vẫn trồng theo phong trào, không theo định hướng chung. Đơn cử như cây chuối cấy mô, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 363ha, trong đó, huyện Châu Đức 200ha, Tân Thành 10ha, Xuyên Mộc 153ha. Tất cả diện tích chuối đều được tổ chức sản xuất theo quy mô nông hộ, trồng theo phong trào, không áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) hoặc tiêu chuẩn bảo đảm ATTP. Trong khi giống chuối cấy mô Nam Mỹ hiện chưa nằm trong định hướng phát triển các cây trồng trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm chưa có định hướng về thị trường tiêu thụ, chủ yếu bán cho thương lái xuất qua Trung Quốc.
(Bà Trần Thị Hiến, Phó Trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật)
CHƯA CHỦ ĐỘNG VỀ ĐẦU RA
Tính đến tháng 3-2017, tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện đạt gần 3,8 triệu con, tăng khoảng 100 ngàn con so với thời điểm cuối năm 2016. Do không chủ động được đầu ra nên dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Đây là nguyên nhân chính làm cho giá giảm sâu trong thời gian qua. Gia cầm trong nước chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa. Những tháng cuối năm 2016, giá gà phục hồi nên người nuôi đã đẩy mạnh tăng đàn. Số lượng gà ngày càng tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng lại không tăng nên việc gà rớt giá là điều tất yếu.
(Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh)
|