|
Ông Lương Văn Biên, dân tộc Tày (tổ 4, thôn Tân Ro, xã Châu Pha, huyện Tân Thành) bên khu đất trồng lúa 3.700m2 do tỉnh cấp hỗ trợ vào năm 2006. |
Trong những năm qua, tỉnh BR-VT luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), thực hiện các chủ trương, chính sách để cải thiện đời sống ĐBDTTS. Trong đó, chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho ĐBDTTS cũng đã được triển khai, nhưng kết quả còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của bà con.
CÓ ĐẤT SẢN XUẤT, ĐỜI SỐNG ỔN ĐỊNH
Theo thống kê, BR-VT có 28 thành phần ĐBDTTS với 7.434 hộ/31.722 nhân khẩu, chiếm gần 3% dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Hoa có số lượng đông nhất 10.045 người, kế đến Châu Ro 8.406 người, Khơmer 2.515 người, Tày 1.308 người, Nùng 1.052; các dân tộc còn lại mỗi thành phần chưa đến 1.000 người. Đa số ĐBDTTS sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, một số ít kinh doanh, dịch vụ, đánh bắt hải sản và đi làm thuê.
Trong những năm qua, tỉnh BR-VT đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình hỗ trợ cho vùng ĐBDTTS, trong đó có cấp đất hỗ trợ đất sản xuất. Nhờ vậy, đời sống của đa số hộ ĐBDTTS từng bước được cải thiện, 100% hộ có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt và sử dụng nước hợp vệ sinh; hơn 96% đồng bào dân tộc có nhà ở kiên cố. Hiện còn khoảng 9,7% số hộ nghèo theo chuẩn Quốc gia tiếp cận đa chiều so với tổng số hộ ĐBDTTS toàn tỉnh.
Thực hiện đề án hỗ trợ đất sản xuất cho ĐBDTTS theo phê duyệt tại Quyết định số 1437/2006/QĐ-UBT của UBND tỉnh, đến nay, tỉnh đã cấp đất sản xuất cho 45 hộ ĐBDTTS với diện tích gần 17ha tại 2 huyện Đất Đỏ và Tân Thành; tạm giao 44ha đất sản xuất cho 32 hộ dân tộc Châu Ro tại xã Sông Xoài, huyện Tân Thành. Qua khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh, nhiều hộ ĐBDTTS được hỗ trợ đất sản xuất đã phát huy hiệu quả sử dụng, tổ chức canh tác để tạo thu nhập ổn định kinh tế gia đình.
|
Bà Lý Thị Bảy, vợ ông Đào Văn Thiệt (dân tộc Châu Ro, tổ 17, thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) đang cho đàn dê 15 con ăn.
Ảnh: NHẬT THANH |
Ông Hoàng Công Nam, chuyên viên Phòng chính sách dân tộc, Ban dân tộc tỉnh đưa chúng tôi đến gia đình chị Dương Thị Thanh, người dân tộc Châu Ro ở tổ 3, ấp Tân Ro, xã Châu Pha, huyện Tân Thành.
Chị Thanh cho biết, giai đoạn năm 2000 trở về trước cuộc sống gia đình rất khó khăn, vốn liếng không có, trình độ học vấn còn hạn chế nên xin việc cũng chật vật, chỉ làm các công việc lặt vặt để sinh sống qua ngày. Tuy nhiên, từ năm 2006 được Nhà nước hỗ trợ đất sản xuất, vợ chồng chị sử dụng để trồng lúa 2-3 vụ/năm, mỗi vụ thu hoạch hơn 1 tấn lúa. Nhờ vậy, lúc nào trong nhà cũng có gạo ăn, không phải lo đói như trước mà còn lãi 3-5 triệu đồng/vụ lúa.
Từ số tiền dành dụm, gia đình thuê thêm 2 ha đất để trồng mì. Mỗi năm thu hoạch 60 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn lãi 30 triệu đồng. Khởi đầu từ sự hỗ trợ về đất sản xuất của Nhà nước và chăm chỉ làm ăn, gia đình chị Thanh đã trở thành hộ ĐBDTTS có kinh tế khá giả ở địa phương, với căn nhà khang trang rộng gần 100m2, đầy đủ các vật dụng sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, xe máy…
Ông Lương Văn Biên, dân tộc Tày, ở tổ 4, thôn Tân Ro, xã Châu Pha huyện Tân Thành cho hay: Năm 1981, ông đưa gia đình từ Cao Bằng vào BR-VT lập nghiệp. Hoàn cảnh gia đình đông con, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, nên nhà ông thường xuyên thiếu ăn, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Năm 2006, ông được Nhà nước hỗ trợ 3.700m2 đất nông nghiệp. Có đất, ông Biên trồng lúa 2 vụ /năm, năng suất 7-8 tạ/vụ. Từ đó, chỉ thu hoạch 1 vụ lúa đã đủ gạo ăn cho cả nhà, vụ lúa còn lại bán được khoảng 8 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi gà thịt thả vườn.
Khi chúng tôi đến thăm, trong vườn nhà ông Biên có khoảng 200 con gà trọng lượng hơn 1kg/con. “Nhờ được Nhà nước cấp đất sản xuất, bây giờ cuộc sống gia đình tôi đã ổn định, hàng ngày đều có đồng ra đồng vào từ việc trồng trọt, chăn nuôi”, ông Biên bày tỏ.
MỚI CHỈ ĐÁP ỨNG ĐƯỢC HƠN 3,5% NHU CẦU
Theo ông Đỗ Đình Quốc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, việc hỗ trợ đất sản xuất cho ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh đã được triển khai bằng đề án theo Quyết định số 1437/2006/QĐ-UBT, nhưng chỉ mới đáp ứng được 3,53% so với nhu cầu đất sản xuất của 1.274 hộ ĐBDTTS thuộc đối tượng cần được hỗ trợ theo đề án.
Do đó, thiếu đất sản xuất là thực trạng đang diễn ra trong đời sống các hộ ĐBDTTS, tập trung nhiều nhất tại địa bàn các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành và Đất Đỏ. Có nhiều nguyên nhân khiến cho ĐBDTTS thiếu đất sản xuất, nhưng phổ biến là do con cái lập gia đình nên cha mẹ cắt một phần đất sản xuất của mình cho con; có những trường hợp cần số tiền lớn để chữa bệnh hiểm nghèo nên bán đất sản xuất; nhiều hộ ĐBDTTS trước đây canh tác trên đất quốc phòng, nông lâm trường nên khi thực hiện quy hoạch sử dụng đất, các đơn vị này đã thu hồi lại…
Cuối tháng 9 - 2016, tỉnh đã dự kiến quỹ đất có thể bố trí cho 1.172 hộ ĐBDTTS thiếu đất sản xuất là 544ha ở huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc. Thế nhưng, diện tích đất này thuộc các DN đang sử dụng trồng cây lâu năm, việc thu hồi đất gặp nhiều khó khăn nên đến nay vẫn chưa triển khai được. Nhằm hỗ trợ bà con bằng hình thức khác, tỉnh đã cấp vật nuôi là bò, dê sinh sản cho các hộ ĐBDTTS tổ chức chăn nuôi, phát triển đàn để có thu nhập.
Thời gian qua, nhiều hộ ĐBDTTS không có đất sản xuất được hỗ trợ bằng hình thức này đã phát huy hiệu quả. Như trường hợp của gia đình ông Đào Văn Thiệt (tổ 17, thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức), người dân tộc Châu Ro được cấp 1 con dê cái sinh sản vào năm 2012, đến nay đã phát triển đàn lên 15 con.
Ông Đỗ Đình Quốc cho biết, đến nay, tỉnh vẫn chưa xác định được quỹ đất để hỗ trợ sản xuất cho ĐBDTTS. Do vậy, sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng hình thức cấp con giống cho bà con để chăn nuôi. Dự kiến giai đoạn 2016 – 2020, sẽ có 1.200 hộ ĐBDTTS được cấp con giống bò, dê, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề lồng ghép, bố trí nguồn vốn hợp lý cho các chương trình, chính sách liên quan đến ĐBDTTS; tăng cường chăm lo an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục… để cải thiện đời sống cho ĐBDTTS.
Nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ cho ĐBDTTS thiếu đất sản xuất, tỉnh BR-VT đã đề nghị Bộ TN-MT phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ĐBDTTS thiếu đất sản xuất tùy vào tình hình thực tế của địa phương; bố trí kinh phí đối với những tỉnh có diện tích đất hoang hóa để cải tạo hỗ trợ cho ĐBDTTS. Mặt khác, đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ NN-PTNT chỉ đạo cho ngành dọc trong việc thực hiện công tác quy hoạch cần ưu tiên giải quyết đất sản xuất cho ĐBDTTS.
(Đồng chí Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)
|