Nghề trồng nấm rơm từ lâu đã phát triển mạnh tại những vùng nông thôn có diện tích đất nông nghiệp trồng lúa lớn, vì nghề này tận dụng nguồn phế phẩm phụ là rơm thải ra sau khi thu hoạch lúa, lại tận dụng công lao động nhàn rỗi góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Chúng tôi đến thăm hơn 2 công đất đang chất nấm rơm của gia đình anh Lê Thành Quân ngụ tại xã Thới Tân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề trồng nấm rơm, hôm nay những luống nấm của gia đình anh đang cho thu hoạch rộ, hứa hẹn sẽ được mùa nấm bội thu.
Gia đình anh Quân thu hoạch nấm rơm
Theo anh Quân chia sẻ, gia đình anh ăn nên làm ra từ cây nấm rơm. Mỗi năm anh trồng 3 vụ nấm theo 3 vụ lúa. Những ngày đầu trồng nấm anh gặp không ít khó khăn về kỹ thuật trồng cũng như lựa chọn nguồn meo giống và nguồn rơm tốt. Dần dần, nhờ tích lũy kinh nghiệm thực tế qua các vụ trồng cũng như bổ sung thêm kiến thức từ các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật do địa phương tổ chức, anh đã khắc phục được hạn chế của mình. Những vụ nấm tiếp theo dần thành công.
Tiết lộ bí quyết dẫn đến thành công, anh khẳng định quan trọng nhất vẫn là nguồn nguyên liệu, nguồn giống rõ ràng. Khi thu hoạch, xuất bán nên vào những ngày rằm, mùng một để giá bán cao hơn so với các ngày bình thường.
Vụ nấm rơm này anh đã đầu tư mua máy cuộn rơm để phục vụ cho việc thu gom rơm chất nấm của gia đình cũng như gom rơm thuê cho các hộ có nhu cầu. Vụ này anh chất gần 100 công rơm, ước tính năng suất đạt hơn 2 tấn nấm. Hiện giá nấm khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, trong khoảng thời gian 40 – 45 ngày, gia đình anh thu lãi hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi ngày anh thu mua nấm rơm của các hộ trong vùng để vừa phục vụ thị trường nội địa, vừa cung ứng cho công ty xuất ra nước ngoài.
Anh Quân cũng chia sẻ thêm, hiện nay thời tiết thay đổi thất thường, việc trồng nấm rơm ngoài trời phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên gặp nhiều khó khăn, năng suất nấm giảm. Anh quyết định áp dụng biện pháp lấy lưới lan, bạt cao su làm mái che cho các mô nấm nhằm hạn chế tác động của nắng, mưa. Hiệu quả của việc che mô nấm mang lại rất đáng kể với mức đầu tư thấp, chủ động di dời địa điểm trồng và có thể tái sử dụng cho nhiều vụ trồng sau.
Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của địa phương, anh Quân còn được hỗ trợ vốn để xây dựng mô hình trồng nấm rơm trong nhà với diện tích nhà trồng 50 (m2). Vào mùa thu hoạch lúa, anh dự trữ rơm để khi hết vụ thu hoạch nấm rơm ngoài trời anh tiến hành chất nấm rơm trong nhà. Áp dụng phương pháp trên anh Quân có nguồn nấm cung cấp ra thị trường quanh năm mà không phải lo ngại vấn đề thời tiết.
Theo anh Quân: “Trồng nấm rơm trong nhà có nhiều tiện lợi, ưu điểm hơn so với sản xuất nấm rơm ngoài trời, trồng nấm rơm trong nhà được quanh năm không sợ ảnh hưởng đến thời tiết, chủ động được nhiệt độ và ẩm độ, giúp nấm phát triển tốt, đạt năng suất cao, đảm bảo sản phẩm sạch, chất lượng cao. Đặc biệt, trồng nấm rơm trong nhà còn chủ động được thời điểm sản xuất bán vào các ngày lễ, Tết và ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, vì vậy được giá cao hơn”.
Ngoài ra, phần nguyên liệu sau khi thu hoạch nấm còn được các hộ dân trồng hoa kiểng, cây ăn trái thu mua về ủ với nấm Trichoderma thành phân rơm với giá dao động từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg.
Diện tích trồng nấm rơm trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện nay đang ngày một tăng lên do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, đảm bảo được thu nhập cũng như tận dụng thời gian nông nhàn, nguồn rơm rạ khá phong phú tại địa phương, đồng thời tạo ra một lượng phân bón hữu cơ từ rơm rạ sau khi sản xuất có chất lượng cao cung cấp cho cây trồng. Chính vì vậy, trong thời gian tới mô hình này cần khuyến khích để nhân rộng, tạo nghề mới và góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân trên địa bàn.