Tiến, Hùng, Phượng, Lụa, Đạt, Quang ơi, sao vẫn còn chưa ngủ, cứ ngồi đó để ghép lại từng mảnh kỷ niệm cho tất cả chúng mình: A, B, C, D, E, H, I, K? Huế có mưa không Trịnh? Sài Gòn đã ửng hồng chưa Quyết? Hà Nội, Hưng Yên đêm nay dường như dài vô tận! Nhưng các bạn biết không, trên những cây xà cừ già nua ở Thủ đô, những con ve trưởng thành đang thánh thót kêu lên từng đợt, từng đợt gọi hè về. Hè đã đến thật rồi ư? Nhưng sao lòng bâng khuâng xao xuyến nhiều đến thế, để những cánh phượng phải rơi, để những kỷ niệm cứ ùa về, để trái tim của những người con xa quê cứ thổn thức đòi trở lại đất Mẹ? Ừ nhỉ, hè đã đến rồi, 20 năm đã trôi qua...
"Ký ức vùng đất, mái trường Tiên Lữ" trong tôi và các bạn làm sao có thể phai nhòa? 20 năm sau ngày chia ly dưới mái trường Tiên Lữ thân yêu giàn giụa nước mắt ấy, với một đời người, dù chưa dài nhưng cũng đủ để chúng ta trở lại bên nhau, bên thầy cô và mái trường yêu dấu!
|
Trường THPT Tiên Lữ |
Chúng ta cùng sinh ra trên mảnh đất Tiên Lữ được vua Ngô Quyền đặt tên, rạng danh non sông khắp mọi miền với người Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, vào thời điểm biên giới Bắc – Nam của Tổ quốc phải gồng mình chống quân xâm lấn. Những người cha lại một lần nữa khoác ba lô ra chiến trường sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng; những người mẹ lại một lần nữa nuốt nước mắt tảo tần thay chồng nuôi con.
Nhưng trong hoàn cảnh ấy, chúng ta đã lớn lên, chúng ta đã được đến trường bằng chính những hạt thóc, bắp ngô, củ khoai lúc vơi lúc đầy, 3 ngày cơm độn một ngày cơm trắng ấy, do những người mẹ của quê hương Tiên Lữ làm ra. Xin được cảm ơn những người mẹ Anh hùng của quê hương, những người cha kiên trung bất khuất của Tổ quốc đã nuôi nấng, đã tạo sức mạnh và niềm tin cho những người con Tiên Lữ sinh ra năm 1978, 1979 phấn đấu vươn lên.
Dưới mái trường THPT Tiên Lữ thân yêu, chúng ta được người mẹ, người cha thứ hai là thầy, cô yêu dấu đào tạo, giáo dục, trau dồi kiến thức để trở thành người có ích cho gia đình, quê hương, đất nước. Trong chúng ta, mỗi người một tính cách, mỗi người một chí hướng,… Nhưng chúng ta chung lớp, chung trường, chung thầy, chung cô. Thầy cô vẫn thường động viên chúng ta bằng câu “những con dê 79 hãy vươn lên” trìu mến để mỗi người trong chúng ta chọn một con đường và sẽ trưởng thành trên con đường mình đã chọn.
Và, sự thật là, 500 anh em chúng ta khóa 1994-1997, dù hôm nay đang ở đâu, làm gì trên dải đất hình chữ S của Tổ quốc Việt Nam này, hay ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi đều xứng đáng với công sinh thành, giáo dục của cha mẹ, thầy cô; đều xứng đáng với mảnh đất Tiên Lữ anh hùng, với mảnh đất ngàn năm văn hiến nhãn lồng Hưng Yên.
|
Khóa 1994 - 1997 về thăm trường Tiên Lữ |
Bạn chung lớp tôi – “Quyết Bolero” giờ là “Quyết đám cưới”, hơn hai mươi năm trước lúc nào cũng muốn ngồi ở góc cuối lớp, chỗ tối nhất để trốn bị thầy cô gọi lên bảng, để thể hiện một đam mê cháy bỏng là đập ngăn bàn hát Bolero.
Quyết dùng gầm bàn làm trống và những ngón tay của Quyết bay bổng trên mặt gỗ, tạo ra những nhịp trống Bolero say đắm lòng người. Rồi mỗi lần Quyết cất lên giọng hát, cả một góc lớp lại đắm chìm trong “Nhật ký đời tôi”, “Sầu tím thiệt hồng”… để cô giáo Thi chủ nhiệm luôn phải quặn lòng khi bị các thầy, cô bộ môn phản ánh.
|
Danh sách gáo viên chủ nhiệm và các bộ môn khóa 1994 - 1997 |
Rồi mỗi lần ra chơi, Quyết chơi trống để cho nam tài tử Tuấn cuội, Tùng to, Tú minh hoàng, Tuấn bùi, Tuấn vạy, Đạt còi… hát. Dưới những tán xà cừ trong sân trường Tiên Lữ đã có biết bao bạn nữ sinh, từ Phượng, Lụa, Thảo, Thủy, Thương, Mến, Lan, Hà… ngất ngây với những bản Bolero bất hủ.
Từ đam mê cháy bỏng ấy, hôm nay “Quyết Bolero” đã trở thành ông chủ “Quyết đám cưới” ở quê nhà Tiên Lữ, một lúc có thể tổ chức được 10 đám cưới ở 10 địa điểm khác nhau, mang về doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Còn những tài tử Quyết đệm trống cho hát Bolero nay đều trở thành những “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh, luật sư, ngân hàng, công an, tuyên giáo. Còn Đạt còi, người bé như con kiến nay đã trở thành lãnh đạo BQL khu đô thị Đại học Phố Hiến.
Bạn tôi từ thuở thiếu thời - Hoàng Phi Hùng (lớp D), ngày học ở trường tiểu học Ngoài Lợn, Dị Chế (trại lợi cũ), Hùng bị “Hùng Hiền” (lớp D) gán cho cái tên “Hùng lợn”. Khi học tiểu học Hùng bé như cái tăm mà lúc nào cũng được thằng to gấp đôi, gấp ba mình kiệu trên vai để thể hiện oai phong của một đại ca, đi khắp các lớp thống lĩnh cả thiên hạ.
Khi học dưới mái trường Tiên Lữ, không chỉ có khóa 1994-1997, mà nhiều khóa trên dưới đều biết “Hùng lợn” có bản năng đặc biệt ấy. Rời khỏi mái trường Tiên Lữ, Hùng đã phát huy tốt nhất bản năng và phẩm chất của mình, đi khắp mọi miền của Tổ quốc, tìm tòi, mở mang khắp các vùng đất, lĩnh vực kinh doanh, để đến hôm nay, sau 20 năm Hùng trở thành một ông chủ doanh nghiệp Diệp Long có tiếng, đồng thời là đầu tàu trong các hoạt động của anh em Tiên Lữ với vai trò là Trưởng BLL khóa 1994-1997, chủ tịch CLB FC Tiên Lữ tại Hà Nội.
Còn Tiến lớp A - một người hào hoa, phong nhã hàng đầu của khóa 1994-1997, mỗi lần đến trường Tiến đi chiếc xe đạp mini màu xanh lá cây, hai cái tay cầm lái còng ra để cái lung thẳng đứng, đẩy hết khuôn mặt thư sinh về phía trước, lướt trên con đường trong trường được soi bóng bởi hai hàng bạch đàn hai bên, hớp hồn không biết bao nhiêu thiếu nữ đẹp.
Dường như Tiến rất ý thức được vẻ đẹp lãng tử của mình, luôn biết rằng có bao nhiêu thiếu nữ đang ngắm nhìn, rồi theo sau mình. Vì vậy, Tiến thường đến trường vào sát giờ vào lớp để cho các nữ sinh từ tầng 1 đến tầng 3 của khu giảng đường 3 tầng được chiêm ngưỡng. Trong các nữ sinh xinh đẹp ấy, có một nữ sinh tên Hạnh đã trở thành người bạn đời của Tiến.
Hai mươi năm sau, giờ Tiến là người điều hành doanh nghiệp Hello Media có tiếng tại Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ mời dự Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017. Với phương châm “Tôi sẽ chỉ cho bạn biết bạn đẹp ở chỗ nào và tôi sẽ nói cho cả thế giới bạn đẹp ra sao”, Tiến đã rất thành công với cái triết lý của mình từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường Tiên Lữ.
Và không thể không nhắc tới một trong những “bóng hồng” nổi bật nhất của khóa 1994-1997, đó là “Phượng đỗ” lớp B. Khi đó, trong mắt nhiều nam sinh, Phượng là người học giỏi, năng động, mạnh mẽ nhưng lại có vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ. Vì vậy, Phượng thường nổi bật trong các “bóng hồng” của khóa, để biết bao nam sinh thức thâu viết thư và thơ tình, người thì đọc bâng quơ, người thì tự đọc cho mình nghe…
Mong ước của Phương lớn lên trở thành luật sư. Và Phượng làm điều đó dễ dàng khi bước vào trường luật. Ra trường một thời gian, Phượng đi địa phương Nam Định luân chuyển, giúp việc trực tiếp cho lãnh đạo tỉnh. Trở lại Hà Nội, Phượng được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ I (Vụ Nghiên cứu tổng hợp), Ban Thi đua khen thưởng Trung ương.
Ngoài Quyết, Hùng, Tiến, Phượng ra, còn gần 500 bạn khóa 1994-1997 nữa đã và đang thành đạt trên con đường mình lựa chọn. 500 bạn khóa 1994-1997 có mặt ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng… của đất nước và một số nước trên thế giới như Pháp, Ba Lan, Mỹ... Từ nhà lãnh đạo quản lý, chủ doanh nghiệp cho đến bác sỹ, nhà giáo, luật sư, sỹ quan, kỹ sư, chuyên gia, chủ trang trại, chủ kinh doanh…
Với tất cả tình yêu quê hương, muốn góp phần trực tiếp để đền đáp, tri ân, xây dựng quê hương phát triển giàu mạnh, trong số 500 bạn khóa 1994-1997 đã có hơn 100 bạn trở lại quê hương sau khi học xong ĐH, CĐ, THCN. Trước tiên phải kể đến Lụa lớp B, Lý-Hà lớp D, Thuấn – Hương lớp A, Quý lớp H đã trở lại ngay mái trường Tiên Lữ thân yêu làm công tác giảng dạy, cống hiến, tiếp nối sự nghiệp trồng người mà các thầy cô trước đây để lại.
|
Hội trại của khóa 1994 - 1997 |
Hay “bộ ba ngân hàng” là Ngạn lớp E, Tuấn lớp I, Ninh lớp E làm lãnh đạo 3 ngân hàng lớn Agribank, BIDV, Vietinbank tại Hưng Yên. Rồi đến các sỹ quan công an đang nắm giữ những vị trí quan trọng như Quang lớp H, Trưởng lớp I…; các ông chủ doanh nghiệp như Tuấn lớp K, Tùng lớp I, Tuấn Anh lớp A…
Chúng ta có quyền tự hào về bản thân mình, tự hào là những người viết tiếp trang sử hào hùng của mái trường Tiên Lữ và mảnh đất Tiên Lữ yêu thương. Và hẳn, gặp lại chúng ta sau 20 năm, các thầy cô sẽ rất hạnh phúc, tự hào vì học trò của mình đã trưởng thành, đã làm rạng danh cho mái trường Tiên Lữ.
20 năm ngày trở về, 20-21/5 này, chúng ta sẽ được quây quần bên nhau, bên thầy cô yêu dấu để những ký ức đẹp không thể phôi phai, để cuộc sống, công việc hiện tại và tương lai của mỗi chúng ta được tô thắm thêm tình cảm đồng khóa, tình yêu, hồn cốt của vùng đất và mái trường Tiên Lữ thân yêu...
|
Một bài báo của tác giả Vũ Minh Việt về ngôi trường cũ |
|
Các thầy cô giáo và học sinh trường Tiên Lữ hôm nay |
|
Trường THPT Tiên Lữ |
|
Lớp A khóa 1994 - 1997 |
|
Lớp B khóa 1994 - 1997 |
|
Lớp C khóa 1994 - 1997 |
|
Lớp D khóa 1994 - 1997 |
|
Lớp E khóa 1994 - 1997 |
|
Lớp H khóa 1994 - 1997 |
|
Lớp I khóa 1994 - 1997 |
|
Lớp K khóa 1994 - 1997 |
Hành trình 20 năm ngày trở về đất mẹ, trở cánh bên nhau để làm tất cả có thể cho ngày trở lại đầy cảm xúc này.
Cảm ơn Tiến - Đạt lớp A, Hùng lớp D, Lụa – Phượng lớp B, Ninh – Ngạn lớp E, Toàn - Trịnh lớp I, Tuấn lớp K, Thành xoăn - Quang lớp H... Các bạn đã hướng về mái trường Tiên Lữ, hướng về khóa 1994-1997 bằng cả trái tim, thời gian, trí tuệ và ngân khố của mình để đi đầu trong hành trình trở về.
Và giờ này, các bạn đang ngồi đó để ghép lại từng mảnh kỷ niệm cho tất cả chúng mình: A, B, C, D, E, H, I, K, để ai đó bên kia cửa sổ, với cây đàn ghita, lạng qua từng hạt mưa, ngân vang bản “Lá thư đô thị”:
“Bạn ơi, bọn mình chung lớp chung đôi. Thời gian, vàng son ngắn ngủi qua rồi. Bút nghiêng, món nợ không vay, chữ trả cho thầy. Hai mươi năm hao giấy, viết mòn vào đây...”
|