Mới đây, Sở KH-CN Lào Cai đã chứng nhận cho 6 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn là DN Khoa học công nghệ. Điều đáng ngạc nhiên, 5/6 DN này hoạt động trong lĩnh vực SXNN, vốn xuất thân từ nông dân thứ thiệt.
Bà Phạm Thị Hồng Loan, GĐ Sở KH-CN Lào Cai cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu với tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách đối với việc ứng dụng KHKT trong SX, ở các lĩnh vực khác nhau. Đáng chú ý là các chính sách hỗ trợ SX nông nghiệp đã phát huy được hiệu quả. Mặc dù nguồn kinh phí thực hiện còn có phần eo hẹp, nhưng lại hết sức có ý nghĩa trong việc hỗ trợ, khuyến khích, tạo đòn bẩy cho các DN mạnh dạn triển khai ứng dụng.
|
Nhân giống, bảo tồn thành công giống vịt Sín Chéng |
Trong năm 2016, tỉnh Lào Cai có 6 DN được chứng nhận là DN KHCN gồm Cty TNHH Phát triển ong miền núi Thanh Xuân, Cty TNHH Giống gia cầm Lào Cai, Cty Traphaco Sapa, Cty Phúc Lâm, Cty Linh Dương và Cty Thùy Dung.
“Ở những DN này, điều dễ nhận thấy, đó là việc ứng dụng khoa học vào SX đã mang lại giá trị hiệu quả kinh tế rõ rệt. Thông qua đó, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong SX còn được nhân rộng, chuyển giao tới người dân, mang đến lợi ích kinh tế to lớn”, bà Loan đánh giá.
Cty TNHH Phát triển ong miền núi Thanh Xuân (huyện Bảo Yên) có bề dày nuôi ong trên 20 năm. Chủ DN là ông Phạm Thanh Xuân, một thương binh nặng, cụt một tay vẫn tìm tòi mò mẫm, duy trì phát triển đàn ong. May mắn đến với công ty từ khi được Sở KH-CN Lào Cai hỗ trợ dự án “Khảo nghiệm mô hình nuôi ong Italia”. Dự án phát triển rất tốt, xây dựng được mô hình nuôi ong Italia 192 đàn, sản lượng mật ong với chu kỳ kinh doanh 1 năm là gần 5 tấn. Để tiếp tục hỗ trợ Cty, Sở KH-CN Lào Cai đã đề nghị Bộ KH-CN cho thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng KHCN nuôi ong mật và khai thác, chế biến mật ong tại Lào Cai”. Nguồn vốn hỗ trợ lấy từ dự án nông thôn miền núi với số tiền 1 tỷ 430 triệu đồng.
Qua đó, Cty Thanh Xuân đã xây dựng được 3 mô hình nuôi ong ngoại, mỗi mô hình là 200 đàn. Tổng sản lượng mật thu về đạt 20 – 24 tấn mật ong và từ 5,5 – 6 tấn phấn hoa, 120kg sữa ong chúa. Doanh thu hàng năm đạt trên 3,3 tỷ đồng.
|
Thương binh Phạm Thanh Xuân giới thiệu công nghệ nuôi ong |
Chia sẻ về những thành công, ông Xuân cho biết, nếu như trước đây cứ nghĩ, cái gì làm mãi rồi cũng quen, cũng giỏi. Nhưng không phải vậy, có những thứ phải học hỏi, đặc biệt trong SXNN. “Từ khi áp dụng KHCN vào SX, tôi mới vỡ ra nhiều điều. Khoa học đã giúp những DN như chúng tôi đi thẳng tới đích nhanh hơn. Thay vì mò mẫm, đi lòng vòng như khi mới khởi nghiệp”, ông Xuân tâm sự.
Câu chuyện cũng tương tự tại Cty TNHH Giống gia cầm Lào Cai. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, đơn vị đã SX được nhiều giống gia cầm đưa ra thị trường. Sản phẩm đầu ra luôn đảm bảo chất lượng con giống, an toàn dịch bệnh.
Từ năm 2014, ngày 18/5 chính thức được công nhận là ngày KHCN Việt Nam. Đây là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng KHCN vào SX. |
Được sự hỗ trợ của Sở KH-CN, năm 2015, Cty đã tiến hành khảo nghiệm, thí điểm nhân giống vịt Sín Chéng, với việc tuyển chọn 1.000 con mẹ, 200 con bố. Đây là giống vịt bản địa có chất lượng tốt, nhưng chủ yếu được người dân chăn thả tự nhiên, có nguy cơ mai một nguồn gen.
Khi thấy được hiệu quả của bảo tồn, Sở KH-CN Lào Cai đã trình Bộ KH-CN hỗ trợ triển khai dự án “Nhân giống, bảo tồn nguồn gốc gen vịt Sín Chéng”, với kinh phí hộ trợ trên 2 tỷ đồng. Đến nay, Cty đã nhân giống thành công 15.000 con vịt giống Sín Chéng mỗi tháng. Hiện con giống của Cty còn được cung ứng rộng rãi ra nhiều tỉnh thành phía Bắc.
Không chỉ là trái ngọt với những thành công ban đầu, những người làm khoa học ở Lào Cai đã tính đến tương lai lâu dài, bền vững hơn. Chính vì vậy, Sở KH-CN đang tiếp tục triển khai công việc “ươm tạo” DN KHCN.
Điển hình là việc triển khai đề tài “Xây dựng vươn ươm cây giống đầu dòng và vườn mô hình trồng thương phẩm cây hoa địa lan lai (Cymbidium) có hương thơm tại Bắc Hà”. Đơn vị được lựa chọn ươm tạo là Cty TNHH MTV Kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Tú. Bà Nguyễn Cẩm Tú, GĐ Cty khẳng định, cùng những chính sách cụ thể, cách làm sáng tạo, hiệu quả của Sở KH-CN Lào Cai, kết hợp với DN để triển khai, ứng dụng KHCN vào SX, chắc chắn các DN sẽ phát triển thành công. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa, giúp họ nâng cao thu nhập, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo.
|
Vườn ươm giống địa lan lai của Cty Việt Tú tại huyện Bắc Hà |