KỶ NIỆM 127 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 – 19-5-2017):
|
Bác Hồ đọc báo Nhân Dân. |
Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước trở về, Bác Hồ chỉ xách một va li nhỏ. Sau này mọi người mới biết, trong va li chỉ có vài bộ quần áo và một khẩu súng ngắn. Nhưng Bác lại có hành trang quý giá, đồ sộ về tri thức và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của thế giới. Chính hành trang đó đã giúp Người làm nên sự nghiệp lớn.
Sinh ra, lớn lên khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, thời trẻ, Bác không có điều kiện học hành đầy đủ. Sau này, Người được học các lớp ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông và Trường Đại học Lenin, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu các vấn đề thuộc địa (Liên Xô), nhưng vẫn phải tự học, tự nghiên cứu là chính. Trong bản khai lý lịch ở Liên Xô, năm 1935, phần trình độ học vấn, Bác khai: Tự học! Cả một thời trai trẻ, Người phải vừa lao động để kiếm sống, vừa hoạt động cách mạng và vừa tự học tập. Học tập để lao động và hoạt động cách mạng, nhưng qua lao động và hoạt động cách mạng lại không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức, nhân cách của mình.
Người lao động, hoạt động cách mạng, học tập trong cảnh thiếu thốn, đói, rét; bị mật thám theo dõi, bắt bớ, tù đày, thậm chí bị thực dân, đế quốc kết án tử hình vắng mặt. Nhưng, với tấm lòng yêu nước, thương dân, với hoài bão lớn lao, cháy bỏng cứu nước, cứu dân, Người đã vượt lên tất cả. Bác tự học thường xuyên, kiên trì, bền bỉ, mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Dù phải làm việc từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối, nhưng Người vẫn dành thời gian ít ỏi còn lại để tự học. Những năm tháng ở Paris, buổi sáng, Bác lao động kiếm tiền; buổi chiều đi thư viện hoặc tham gia các cuộc nói chuyện; buổi tối Bác dự các cuộc mít tinh. Khi ở Pháp, Bác tự học tiếng Pháp; sang Anh, Đức, Ý, Trung Quốc, Nga..., Người tự học tiếng của các nước đó.
Cụ Phan Chu Trinh truyền cho Bác nghề rửa ảnh, Người kiên trì học và sau đó còn học thêm nghề sửa đồng hồ, nghề vẽ đồ cổ giả kiểu Trung Quốc. Người hành nghề thực thụ giữa thành phố Paris sầm uất, tráng lệ. Được cháu ngoại của Karl Marx chỉ bảo, Bác học viết báo, từ viết dăm bảy câu, đến viết thật dài, rồi lại tập viết ngắn. Cuối cùng, Người không chỉ trở thành nhà báo xuất sắc, mà còn là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút một tờ báo có tên tuổi ở Paris. Trong 30 năm tìm đường cứu nước, Người tự nghiên cứu học thuyết kinh tế của Ricardo, Adam Smith. Người làm quen và thân thiết với nhiều nhà cách mạng lớn trên thế giới và đã học hỏi ở họ được nhiều kinh nghiệm đấu tranh cách mạng quý giá.
Khi trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn say mê nghiên cứu, học hỏi. Về cuối đời, dù sức khỏe yếu, bệnh tật nhưng thói quen đó ở Người vẫn không hề thay đổi. Đầu năm 1969, tình trạng sức khỏe của Bác không tốt, vậy mà trên bàn vẫn đầy sách báo. Đại tướng Hoàng Văn Thái thưa với Bác: "Bác mệt, Bác nên đọc ít, để nhiều thời gian nghỉ ngơi thư thả cho lại sức". Bác trả lời: "Chú bảo Bác không đọc sách báo ư? Dù già yếu cũng phải học, phải đọc sách báo nâng cao hiểu biết và nhất là nắm vững tình hình chứ". Những ngày trên giường bệnh cuối đời, Người vẫn tự học tiếng Tây Ban Nha và cảm động biết bao, những cuốn sách: "Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông", "Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ", "Sự thật về vấn đề Việt Nam"... vẫn gối đầu giường của Bác.
Ý chí tự học suốt đời đã giúp Người trở thành lãnh tụ, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Đó không chỉ là niềm tự hào, sự kính trọng, khâm phục, mà còn là tấm gương sáng, là ngọn cờ thôi thúc, vẫy gọi các thế hệ con cháu noi theo, làm theo. Ngày nay, đất nước đang hội nhập trong bối cảnh thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; thế giới đã và đang bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ thứ tư, đòi hỏi nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý, lãnh đạo phải có tư duy, tầm nhìn, tri thức, kỹ năng ngang tầm thời đại. Bên cạnh đó, Đảng, Chính phủ đang xây dựng quốc gia khởi nghiệp. Trong công cuộc đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải đi tiên phong, noi theo, làm theo Bác: Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng. Tự học, học suốt đời trở thành nhiệm vụ cấp thiết để trở thành người tử tế, người cộng sản chân chính và người đầy tớ thật tận tụy, trung thành nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, dân tộc và đất nước.
"Năm nay tôi 71 tuổi, nhưng ngày nào tôi cũng phải học, không học không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau"
Chủ tịch Hồ Chí Minh
|