Tuy không được đặt tên chính thức là buổi đối thoại, nhưng có lẽ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vừa diễn ra lại là lần đối thoại đúng nghĩa, đầy đủ nhất từ trước đến nay giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp.
|
Thủ tướng công bố với các doanh nghiệp tại Hội nghị Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Là lần gặp thứ hai của Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với doanh nghiệp, chính vì vậy giữa Thủ tướng và giới doanh nhân đã có đủ thời gian để thực sự “hiểu nhau hơn”.
Một năm không phải là quãng thời gian dài, nhưng cũng đủ để đánh giá, nhìn nhận những chính sách và nhất là tinh thần mới được Chính phủ khởi xướng và bước đầu đã có những tác động nhất định đến đời sống. Những con số tổng kết từ các cơ quan chức năng đã cho thấy điều đó.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 1 năm qua, 4.527/4.723 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 95,85%) đã được đơn giản hoá. Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kể từ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, đã có trên 1.098 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước, đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 77,4%.
Kết quả đạt được còn thể hiện ở số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2016 là 110.100 doanh nghiệp, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay. Đáng mừng hơn, kỷ lục này hoàn toàn có thể bị xô đổ ngay trong năm 2017, khi 4 tháng đầu năm đã có gần 40 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.
Quan trọng hơn, những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; tác động rất lớn đến bộ máy cơ quan Nhà nước các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức.
Có thể nói, chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp lại sôi động, mạnh mẽ như thời gian vừa qua. Sức nóng khởi nghiệp đã lan tỏa khắp nơi, ở nhiều cấp, nhiều ngành, cả cấp trung ương và địa phương; không chỉ các cấp chính quyền quan tâm mà cả xã hội cũng mạnh mẽ ủng hộ. Hàng trăm hội thảo, hội nghị, cuộc thi, chương trình dành cho khởi nghiệp được tổ chức…
Thực tế trên trên thực sự làm nức lòng doanh nghiệp và cả cơ quan đại diện cho giới doanh nhân. Nói như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chính phủ, Thủ tướng “đã làm được những việc ấm lòng, thực sự tiếp sức cho doanh nghiệp”. Có thể nói, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” doanh nghiệp cần chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. Vì thế, mặc dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng so với Hội nghị lần trước tổ chức tại TPHCM thì tính gay gắt của các ý kiến tại Hội nghị lần này đã giảm đi rất nhiều, chủ yếu là những ý kiến “hiến kế”, nêu giải pháp.
Là cuộc đối thoại nên Thủ tướng chủ động dành thời gian cho các đại diện doanh nghiệp trình bày kiến nghị, Thủ tướng và Chính phủ tự đặt mình vào vị trí của người lắng nghe, ghi nhận. Ngay khi khai mạc Hội nghị, Thủ tướng đã đề ra nguyên tắc phải dành tối đa thời gian cho đại diện của doanh nghiệp nêu kiến nghị.
Ngay cả khi đại diện cộng đồng doanh nghiệp trình bày bản báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đồng thời bày tỏ những cảm xúc, tri ân những nỗ lực của Chính phủ, thì người điều hành Hội nghị vẫn nhẹ nhàng lưu ý thời gian phát biểu chỉ còn 1 phút nữa sẽ hết!
“Thịnh tình” của Thủ tướng còn thể hiện qua việc Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 20 ngay trong quá trình diễn ra Hội nghị với nội dung yêu cầu các cơ quan chức năng không được thanh tra quá 1 lần mỗi năm đối với mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một món quà mà Thủ tướng dành cho các doanh nghiệp, khi trước đó, các doanh nghiệp đã “than” rất nhiều về việc bị thanh tra, kiểm tra chồng chất.
Cuộc đối thoại đã diễn ra thực chất và đi đến cùng vấn đề, khi dự kiến kết thúc lúc 13h chiều, thế nhưng khi Thủ tướng bắt đầu phát biểu kết luận thì đồng hồ đã chỉ sang 13h19 phút! Và sau 7 giờ đồng hồ dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng tiếp tục dành 2 tiếng rưỡi đồng hồ nữa để làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành xử lý, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.
Nhiều chính sách còn phải đợi thời gian để triển khai và đi vào cuộc sống, nhưng Thủ tướng và Chính phủ đã thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ, kiến tạo bằng động thái đối thoại với những người trong cuộc, lắng nghe, ghi nhận và lập tức giải quyết vấn đề trong thời gian ngắn nhất có thể...