Ngày 27/5/2017, đoàn giám sát của Quốc hội, do phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, đã họp phiên thứ hai, nghe Chính phủ báo cáo và giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Kết quả đã khiến cả xã hội giật mình. Kế hoạc tinh giảm biên chế không những không đạt được, mà trái lại, bộ máy càng phình to ra, tăng lên 0,57%, tương ứng với con số tuyệt đối là 20.400 người. Việc tăng thêm 20.400 biên chế đã khiến việc chi lương cho biên chế từ 405.000 tỷ đồng năm 2015 tăng thành 410.000 tỷ đồng năm 2016.
Và nếu cứ đà này, thì kế hoạch từ nay đến năm 2021 giảm được 10% biên chế (mỗi năm giảm từ 1 đến 2%) sẽ rất khó đạt được.
Vì sao ai cũng biết số công chức, viên chức trong bộ máy hành chính của ta hiện quá đông. Nước Mỹ có trên 300 triệu dân mà chỉ có 2,1 triệu công chức, viên chức. Còn ở ta, số dân chưa bằng 1/3 của họ, nhưng lại có đến 2,8 triệu công chức, viên chức. Đã đông, bộ máy lại cồng kềnh, còn quá nhiều tầng, nấc, lại song trùng. Bên chính quyền có bộ phận nào thì bên đảng có bộ phận ấy. Bộ máy làm việc không hiệu quả, trình độ của công chức, viên chức hết sức kém cỏi.
Ai cũng biết hiện đang tồn tại đến 30%, thậm chí có nơi đến 80% số công chức “cắp ô”, như chủ tịch UBND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) mới đây đã nói thẳng: "Cho tôi tuyển 5 người, tôi sẽ làm bay công việc của 25 người”. Ai cũng biết từ trước tới nay, Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị định, đề án về tinh giảm biên chế, có những đề án rất ồn ào như đề án tinh giảm 100.000 biên chế của Bộ Nội vụ cách đây mấy năm. Nhìn lại, từ trước đến nay, đã có tất cả 4 lần sắp xếp tổ chức, tinh giảm biên chế. Ai cũng biết, quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một đội ngũ công chức, viên chức gọn nhẹ, tinh nhuệ, làm việc hiệu quả, là rất cao. Nhưng tại sao không những mục tiêu đó không đạt được, mà lại có tình trạng “càng bóp, càng phồng” như trên?
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có thể quy về mấy nguyên nhân chính. Thứ nhất, là tình trạng “mua công chức” hiện vẫn tồn tại. Mỗi vụ “bán” một suất công chức, người có quyền “bán” thu được hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, họ tìm mọi lý do, mọi cơ hội để tăng biên chế. Thứ hai, trong đội ngũ công chức, viên chức của ta đang tồn tại rất nhiều “con cha cháu ông”, nên dù họ làm việc có kém cỏi đến đâu, thì những người đứng đầu vẫn không dám sa thải họ, vì vậy kế hoạch tinh giảm biên chế trên giao không hoàn thành. Và thứ ba, là việc thành lập các đơ vị mới như cục, vụ...Còn khá dễ dãi. Vì vậy đã xuất hiện tình trạng “tân quan, tân tổ chức”. Cứ mỗi lần có một Bộ trưởng mới, thì tổ chức của Bộ lại thay đổi, không ít đơn vị mới được thành lập, số biên chế lại tăng lên.
Nếu không có một sự đột phá về lĩnh vực này, thì tình trạng “càng bóp, càng phồng” không bao giờ chấm dứt.