|
Người lao động làm việc tại nhà hàng bánh khọt Cô Ba Vũng Tàu. Ảnh: SONG THƯ |
* Trẻ em có quyền bí mật đời sống riêng tư
Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 (có hiệu lực từ 1-6) quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi; có 25 quyền, trong đó điểm mới đáng chú ý là “Quyền bí mật đời sống riêng tư”, nghiêm cấm các hành vi:
Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
* Tiền công, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng
Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ 15-6) quy định:
Tiền công của người lao động (NLĐ) được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa những NLĐ làm việc theo hình thức cộng đồng và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc NLĐ đã thực hiện, cụ thể: Đối với NLĐ làm việc đủ 8 giờ trong 1 ngày và 26 ngày trong 1 tháng thì tiền công tính theo tháng và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại nơi thực hiện dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công. Đối với NLĐ làm việc không đủ 8 giờ trong 1 ngày hoặc 26 ngày trong 1 tháng thì tiền công tính theo giờ và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại nơi thực hiện các dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công chia 26 ngày và chia 8 giờ.
Việc tổ chức, sắp xếp thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi do những NLĐ làm việc theo hình thức cộng đồng thỏa thuận nhưng phải bảo đảm các quy định sau đây: Thời giờ làm việc không quá 8 giờ trong 1 ngày. Mỗi tuần được nghỉ ít nhất 1 ngày (24 giờ liên tục), trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Trường hợp phải làm thêm giờ thì tổng số giờ làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày.
* Bị cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân vẫn được đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động
Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT (có hiệu lực từ 1-6) Điều 43, khoản 2 quy định: Đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật có đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 (ô tô chở người dưới 9 chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn) số tự động của cơ sở đào tạo. Về điều kiện sức khỏe của người lái xe, Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định: người bị cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng). Như vậy, đối với người chỉ bị cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân (hệ cơ, xương khớp) và bảo đảm tiêu chuẩn sức khỏe đối với các hệ thần kinh, mắt, tai – mũi – họng, tim mạch, hô hấp thì vẫn được đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động.