Hơn 1 tháng nay, dọc các trục đường chính trên địa bàn xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) ngày càng xuất hiện nhiều điểm bán thịt heo tự phát. Chỉ đoạn đường chưa đầy 1km từ chợ Hòa Long đến UBND xã, trước đây chỉ có một điểm bán thịt heo thì nay đã có đến 5 điểm bán. Các quầy hàng này được đặt ngay bên lề đường, với những dòng chữ “heo nhà giá từ 40.000-50.000 đồng”.
Anh Nguyễn Quang Trung, nhà ở xã Hòa Long cho biết, từ giữa tháng 4, đàn heo 20 con của gia đình anh đến giai đoạn xuất chuồng, nhưng thương lái chỉ mua với giá 22.000 đồng/kg. Trong khi đó, để nuôi một con heo đạt trọng lượng 100kg, người nuôi phải bỏ chi phí khoảng 3,2 triệu đồng, bao gồm con giống, thức ăn, thuốc thú y, công chăm sóc, với giá trên, mỗi con heo anh bị lỗ khoảng 1 triệu đồng. Để “vớt vát” một phần vốn, gia đình anh đã tự giết mổ rồi đem đi bán. Với cách làm này, hiện mỗi con heo anh Trung chỉ lỗ khoảng 500 ngàn đồng.
Không chỉ ở xã Hòa Long, hơn một tháng qua nhiều địa phương khác cũng xuất hiện các điểm bán heo tự phát, bởi vì theo người chăn nuôi đây là cách duy nhất có thể để giải cứu đàn, thu hồi vốn, giảm lỗ khi giá heo vẫn chưa chuyển biến. Chị Dương Thị Nhàn (thôn Phước An, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) cho biết, do giá heo xuống thấp, với mỗi con heo bán ra lỗ gần 1 triệu đồng, còn những con heo quá lứa (hơn 115kg) thì thương lái không mua. Nên từ đầu tháng 4, chị đã đóng một cái sạp nhỏ để trước nhà, mỗi ngày mổ 1 con heo bán để vớt vát lại tiền cám. “Tiền nợ cám ở đại lý, cộng với nợ vay vốn ngân hàng đã quá nhiều, nhưng heo bán không được hoặc bán lỗ làm cho gia đình tôi không cách nào xoay xở kịp. Nhờ biện pháp này mà tôi đã bán được 10 con heo quá lứa trong chuồng và 8 con heo thịt, lấy lại vốn để trả bớt tiền nợ cám”, chị Nhàn nói.
Tại khu Trung tâm đô thị Chí Linh, TP. Vũng Tàu hơn 2 tuần qua cũng xuất hiện nhiều điểm bán heo tự phát. Chỉ cần tấm bạt nhỏ được cắt ra từ bao bì trải ra bên vệ đường, thịt heo được chất đầy trên đó. Chị Nguyễn Thị Minh, nhà ở xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức) cho biết, do đàn heo hơn 30 con quá lứa nhưng không có người mua nên chị đã chọn giải pháp tự giết mổ. Hàng ngày gia đình dậy từ 3 giờ sáng để mổ heo, sau đó mang xuống TP. Vũng Tàu “bán dạo”, hôm bán ở khu vực Trung tâm đô thị Chí Linh, hôm bán tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. Với cách làm này, hiện gia đình chị đã bán được 2/3 đàn heo trong chuồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 ngàn con heo đến giai đoạn xuất chuồng, các cơ quan chức năng đang vận động các cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh thu mua heo cho bà con nông dân. Đồng thời, vận động các bếp ăn tập thể, các căn tin trong công ty, DN, trường học, các đơn vị lực lượng vũ trang mua heo giúp người chăn nuôi. Tuy nhiên, việc làm này đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Theo thống kê của Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời gian qua toàn tỉnh đã xuất hiện gần 100 điểm bán thịt heo do người chăn nuôi tự giết mổ. Do không qua khâu trung gian nên giá heo chỉ khoảng 40.000-70.000 đồng/kg, rẻ hơn từ 20.000-30.000đồng/kg so với giá thị trường. Vì vậy, việc tiêu thụ heo bằng cách này đã được người dân mua rất đông. Tuy nhiên, cùng với việc người chăn nuôi tự giết mổ, bày bán ngoài đường là mối lo về vấn đề ATVSTP cho người tiêu dùng.
Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng phòng Chăn nuôi Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, tuy việc giải cứu heo bằng cách tự giết mổ và bày bán ngoài đường của người chăn nuôi là một biện pháp khả thi trong lúc này và để bảo đảm ATVSTP, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã bố trí phân công cán bộ thú y tại các địa phương trực 24/24 giờ để kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi kiểm dịch khi có nhu cầu giết mổ. Ngoài ra, tại các địa phương, cán bộ thú y cũng thường xuyên kiểm tra nhắc nhở người bán nên hạn chế trải bạt bày bán dưới đất, mà nên đóng sạp để bày bán nhằm bảo đảm VSATTP. “Đối với những trường hợp bày bán thịt heo dưới đất, các cán bộ thú y địa phương sẽ nhắc nhở và khuyến cáo người bán bày trên sạp”, ông Sỹ cho biết thêm.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với các trang trại quy mô lớn, việc tự đưa thịt heo đến tay người tiêu dùng là điều không khả thi. Do đó ngành nông nghiệp cần có những định hướng bền vững trong thời gian tới, để ngành chăn nuôi heo có thể phát triển ổn định, tránh tình trạng cung vượt cầu như thời gian qua.