“Cán bộ trẻ nhưng phải đi lên bằng chính đôi chân của mình, chứ không phải bằng con đường không minh bạch”, đó là ý kiến chỉ đạo và cũng là lời nhắc nhở của đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án 02 –ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến 2020.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt cán bộ lãnh đạo trẻ, cán bộ nữ ở các cấp, các ngành, thời gian qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Mặc dù tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 40 tuổi, cán bộ nữ giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các ban ngành, đơn vị, địa phương vẫn chưa đạt theo chỉ tiêu đề ra, nhưng bước đầu cũng đã có một số cán bộ trẻ, cán bộ nữ được bố trí sắp xếp vào những vị trí lãnh đạo phù hợp với năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị.
Và điều quan trọng hơn hết là, họ đã phát huy tốt năng lực của mình trong vai trò, vị trí mới và được đông đảo quần chúng, nhân dân ủng hộ. Các cán bộ trẻ được luân chuyển cũng có cơ hội “cọ xát” với thực tế, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo cũng như bản lĩnh chính trị và đã từng bước trưởng thành. Đây là nguồn nhân lực cho tỉnh xem xét, bố trí những vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành.
Tuy nhiên, trên thực tế công tác đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ trẻ, cán bộ nữ cũng còn những vấn đề đáng quan tâm. Gần đây, dư luận lùm xùm về một số vụ bổ nhiệm “thần tốc” đối với cán bộ trẻ ở các bộ, ngành, địa phương.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã nhìn thẳng vào thực trạng và xử lý quyết liệt đối với những trường hợp bổ nhiệm người thân vào những vị trí lãnh đạo không đúng quy trình, trong khi chính bản thân người được bổ nhiệm chưa đủ năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, thậm chí đã từng sai phạm hoặc có “vấn đề” về đạo đức, lối sống...
Vấn đề đặt ra là nếu cán bộ trẻ là con em các gia đình cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo, hoặc lãnh đạo các cấp, các ngành thì việc cất nhắc, bổ nhiệm sẽ được thực hiện như thế nào để bảo đảm tính khách quan. Cần nhìn nhận đội ngũ này được sinh ra và lớn lên trong môi trường cách mạng, có sự ảnh hưởng nhất định đối với tư tưởng, đạo đức cũng như nền nếp giáo dục của gia đình. Đây là nguồn nhân lực rất đáng được trân trọng.
Tuy nhiên, nói như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, những gì họ được thừa hưởng từ cha anh cũng chưa đủ; họ phải là người có năng lực thực sự, biết đi lên bằng chính đôi chân của mình và quan trọng hơn hết là được đào tạo, bồi dưỡng bằng con đường công khai, minh bạch và thật sự công bằng với những cán bộ khác.
Do vậy, để có được nguồn cán bộ trẻ bảo đảm đủ phẩm chất và năng lực, các cấp ủy Đảng, Ban tổ chức cán bộ các cấp phải thực sự công tâm, khách quan trong công tác quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ. Làm công tác cán bộ giống như trồng cây, trước tiên phải chọn hạt giống tốt, ươm mầm, gieo cấy vào những mảnh đất phù hợp và tiếp tục chăm sóc thì cây mới tốt tươi, sum suê, trĩu quả.
Tất cả các khâu đều phải thực hiện một cách kỹ lưỡng, đúng quy trình, không vội vàng, cũng không quá câu nệ. Nếu chọn nhầm hạt giống xấu thì không chỉ mất thời gian, mà còn có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Hoặc ngược lại, nếu bỏ sót những hạt giống tốt sẽ gây lãng phí nhân tài, chưa kể làm triệt tiêu ý chí phấn đấu của những người thật sự có tâm huyết, có năng lực, luôn khao khát được cống hiến. Đây chính là nỗi ưu tư, trăn trở của những người được trao trọng trách cất nhắc, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ trong tình hình mới.