Còn khoảng 1 tháng nữa, Nghị định 47/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCC) và lực lượng vũ trang áp dụng từ 1-7-2017 sẽ “đi vào cuộc sống”.
Hỏi chuyện những người ăn lương rằng mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng liệu có đủ trang trải cho cuộc sống, không ít người đã thẳng thắn chia sẻ là chưa bảo đảm được nhu cầu sống cơ bản của CBCC và gia đình, chưa là động lực để thúc đẩy CBCC hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Điều đó cũng có nghĩa là sau hơn 22 năm thực hiện cải cách chính sách tiền lương với khá nhiều Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, chế độ tiền lương vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Thật ra không cần phải khảo sát thì ai cũng biết tiền lương CBCC thấp, ngày càng bình quân và chắp vá, chưa trở thành nguồn sống cơ bản của CBCC. Mức lương cơ sở ấy hiện mới chỉ bảo đảm khoảng 50-60% nhu cầu CBCC, không đủ tái tạo sức lao động và có tích lũy, không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ.
Còn nhớ trước đây, trong khi thảo luận về Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đã cho rằng, mức lương tối thiểu mà Chính phủ đưa ra chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống CBCC và đề nghị sắp tới, khi cải cách tiền lương, điều quan trọng nhất là phải đưa ra được mức lương tối thiểu đúng thực chất, bảo đảm được mức sống tối thiểu cho CBCC.
Thời gian qua, những người thực sự sống bằng lương đã rất bức xúc trước một sự thật bất hợp lý diễn ra khá phổ biến: không ít CBCC trong bộ máy công quyền ngồi không ăn lương, trong khi nhiều người khác phải đầu tắt mặt tối, làm việc quần quật suốt ngày. Hồi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan đã từng thừa nhận ở tỉnh ông có đến 30% công chức chỉ “có mặt để lãnh lương”, 30% còn lại làm việc cầm chừng. Thực tế không vui này chắc không chỉ có ở trong các cơ quan công quyền tỉnh Đồng Tháp mà là căn bệnh chung ở khá nhiều địa phương trong cả nước từ bấy lâu nay.
Hiện nay, nước ta có khoảng 2,8 triệu CBCC. Quả thật khó có thể có một nền công vụ tốt khi mà 30% trong số đó “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, “ngồi bói chữ”, làm giả nhưng lãnh lương thật. Nếu không làm mạnh, triệt để công tác tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương thì mức lương tối thiểu cứ mãi lạc hậu vì phải chia đều cho những CBCC không làm gì vẫn cứ lãnh lương trong khi Nhà nước lại khó thu hút và giữ được chân người tài.
Thật khó chấp nhận khi mà qua 4 năm thực hiện tinh giản biên chế Nhà nước (2007-2011), cả nước giải quyết tinh giản được hơn 50.000 người. Nhưng sau khi thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy hành chính không những không giảm mà còn tăng thêm 25%, đưa số biên chế công chức hành chính cả nước lên tới 260.000 người. Một dẫn chứng gần đây nhất: tính từ năm 2015 cho đến nay, trong gần 2 năm các bộ, ngành và địa phương chỉ giảm được 17.500 người, trong đó hơn 15.000 người là do nghỉ hưu. Như vậy, thực giảm chỉ là hơn 1.650 người.
Bài toán tiền lương luôn gắn liền với bài toán về cải cách hành chính. Cải cách tiền lương không chỉ bảo đảm cho CBCC thực sự sống được bằng đồng lương mà quan trọng hơn phải loại bỏ những bất công, nghịch lý trên đây. Cũng không phải cải cách tiền lương là hàng năm cứ qui định mức lương tối thiểu và năm nào cũng tuyên bố tăng lương.
Cốt lõi của bài toán tiền lương là nghiêm túc thực hiện tinh giản biên chế Nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo chế độ cải cách tiền lương, đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất và đạo đức, tiến hành đồng bộ các hoạt động cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách mạnh khu vực dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp công.