Theo ông Vang, súp lơ xanh, hay bông cải xanh là cây chịu lạnh, thích nghi và sinh trưởng tốt ở điều kiện nhiệt độ, ẩm độ tại xã Thuận Hạnh. Tuy nhiên nếu trồng vào thời điểm trời có mưa nhiều hoặc khô nóng thì cây sẽ còi cọc, dễ sâu bệnh và năng suất rất thấp nên thời vụ gieo trồng súp lơ phù hợp nhất là từ tháng 7 đến tháng 12, đây là thời điểm mà súp lơ dễ phát triển và cho năng suất cao nhất.
Chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm trồng súp lơ, ông Vang cho biết thêm: Muốn súp lơ không bị bệnh hại và năng suất cao cần chú trọng khâu làm đất, phải cày đất kỹ, rải 50 kg vôi bột trước khi bừa lần cuối. Sau đó tiến hành lên luống rộng khoảng 1 m, cao 25 - 30 cm để đất thoát nước tốt, bón lót cho 0,1 ha từ 1000 – 1.500 kg phân hữu cơ ủ hoai, 50 kg lân, rải phân đều trên mặt luống, đảo đều đất và phân, vét đất ở rãnh phủ lên mặt luống. Sau 1 tuần thì trồng cây con và tưới đẫm, 1 ha cần khoảng 45.000 - 50.000 cây. Để có cây con khỏe cần gieo ươm hạt trước, nên ngâm hạt giống vào nước ấm 540C trong 25 - 30 phút để diệt nấm bệnh bám ở vỏ hạt giống và giúp hạt mọc nhanh hơn. Tưới cho đất ẩm, san phẳng mặt đất rồi tiến hành gieo hạt súp lơ vào các lỗ nhỏ từ khoảng 2 hạt một lỗ rồi lấp đất mỏng lên. Sau đó có thể rắc thêm một ít thuốc trừ sâu, trừ kiến, côn trùng và giữ ẩm đất mỗi ngày. Sau gieo, tưới nước 1 - 2 lần/ngày trong 3 - 5 ngày, khi hạt nảy mầm nhô lên mặt đất cứ 2 ngày tưới một lần. Tỉa bớt cây bị bệnh không đủ tiêu chuẩn kết hợp tưới thúc bằng phân vi sinh, khi cây được 5 - 6 lá thật thì đem nhổ trồng.
Ông Vang bên ruộng rau súp lơ xanh
Cũng theo ông Vang, sau khi trồng khoảng 15 ngày, dùng 9kg urê và 7kg kalisunfat/0,1ha, hòa phân tan trong nước rồi tưới cây kết hợp vun gốc, làm cỏ vét rãnh. Sau trồng được 25 - 30 ngày, bón phân lần 2 với lượng 15kg urê/0,1ha, rạch hàng bón phân cách gốc 20cm để tránh làm hư bộ rễ của cây, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây phát triển tốt. Khi cây đã chéo nõn, bón thêm 9kg urê + 8kg kali, có thể bón cách gốc 5 cm rồi tưới hoặc hòa nước tưới để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây ra nụ nhanh và chắc. Ngoài ra cần bón bổ sung thêm phân vi sinh hữu cơ cho súp lơ.
Về phòng trừ sâu bệnh, ông Vang chia se, súp lơ xanh hay bị sâu tơ gây hại nhất là giai đoạn sau khi trồng 1 tháng, nên tưới phun mưa vào các buổi chiều tối để rửa trôi bớt trứng, sâu non sâu tơ và hạn chế bướm sâu tơ đến đẻ trứng trên lá súp lơ đồng thời khi sâu gây hại với mật độ cao có thể sử dụng các loại thuốc sinh học để phòng trừ loại sâu hại này. Súp lơ khi ra hoa rất mẫn cảm với nước nên để tránh nước ngấm vào búp hoa làm thối hoa thì sau khi cây bắt đầu ra hoa phải tiến hành bẻ gập 2 lá trong để che đậy hoa. Khi hoa có kích thước lớn hơn thì ngắt lá to bên ngoài để đậy bông cải lại, việc lấy lá che hoa sẽ giúp tránh sâu hại, tránh thời tiết khắc nghiệt, đảm bảo chất lượng bông súp lơ.
Súp lơ xanh nếu chăm sóc tốt thì sau khi trồng khoảng 2,5 tháng sẽ cho thu hoạch. Vốn đầu tư ban đầu ít, chủ yếu là tiền giống, nên mọi nhà đều có thể làm. Sau khi thu hoạch sẽ có thương lái đến mua tận nơi với giá bán bình quân 7.000 đồng/bông. Với 0,2 ha có thể trồng 9.000 -10.000 nghìn cây, sau khi trừ chi phí còn thu lãi 50 triệu đồng. Ngoài trồng súp lơ, ông Vang còn trồng gối vụ nhiều loại rau như bí đỏ, bắp cải…, có những năm bán được giá cao gia đình ông thu nhập trên 200 triệu/0,2ha.