Sinh ra trong một gia đình nông nghiệp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên sau khi tốt nghiệp cấp 3 anh lựa chọn đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Sau 2 năm lao động vất vả xứ người, số tiền anh mang về cũng chẳng được bao nhiêu nên anh quyết tâm làm giàu trên đất quê mình. Sau nhiều lần lặn lội đến 1 số tỉnh, thành phố để tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế, anh nhận thấy điều kiện của gia đình mình phù hợp với nuôi gà bán công nghiệp. Năm 2009, anh mạnh dạn bỏ số vốn mà bản thân tích cóp được để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi khoảng 500 con gà thịt giống Minh Dư tại Bình Định. Theo anh Tuấn, đây là giống gà có phẩm chất thịt ngon nhất, ít ấp mắn đẻ, có độ đồng đều cao, màu lông tương đối đồng nhất, ăn ít nhưng mức tăng trọng cao. Với quyết tâm, đã làm là phải thành công, anh không ngừng học hỏi kinh nghiệm qua những mô hình đã tham quan, của những người có nhiều kinh nghiệm, anh còn chủ động học các tiến bộ kỹ thuật mới trên mạng internet, trên kênh VTC16 và các báo, tạp chí. Anh nhận thấy, để gà sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh thì ngoài việc chọn được giống gà đảm bảo chất lượng, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi thì khâu tiêm phòng vắc xin và tiêu độc khử trùng chuồng trại đóng vai trò quan trọng. Chính vì thế, ngay từ những lứa gà đầu tiên của anh đã thu lãi hơn chục triệu đồng. Cứ thế tiền lãi sau mỗi lứa gà được anh tích cóp lại để dần mở rộng quy mô chăn nuôi.
Sau thành công của vài lứa gà anh nhận thấy, để mở rộng quy mô chăn nuôi gà từ vài trăm con lên vài nghìn con không khó, nhưng để tìm được đầu ra tiêu thụ ổn định thì không phải dễ. Anh tìm hiểu các lái buôn gà ở các chợ lớn, trên mạng internet rồi liên hệ trực tiếp. Dần dần nhiều mối làm ăn thân thiết, mối quan hệ với các bạn hàng và đối tác cũng được mở rộng khi Tuấn liên kết được với các công ty phân phối thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở cung cấp con giống uy tín ở Bình Định để lấy hàng theo kiểu mua tận gốc.
Trang trại nuôi gà của anh Tuấn
Anh chia sẻ: “Để có thể tìm ra các mối tiêu thụ lượng gà lớn như hiện nay với tôi không phải là dễ, tôi đã phải tìm mọi cách để biết được các mối tiêu thụ gà lớn ở các chợ như: chợ Hà Vĩ (Thường Tín - Hà Nội), Thổ Tang (Vĩnh Phúc),.. rồi tìm cách tiếp cận với họ, giới thiệu nguồn gà và khả năng cung cấp gà thịt”.
Niềm đam mê đã biến thành hành động khi anh liên kết các hộ nuôi gà tạo nhóm sở thích nuôi gà để cùng nhau hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Khác với lối chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm, sau nhiều năm đơn thương độc mã tìm hiểu thị trường tiêu thụ và nắm bắt khả năng sản xuất thực tế ở địa phương, anh Hoàng Huy Tuấn đã đứng ra thành lập Nhóm Chăn nuôi gà. Hoạt động trên nguyên tắc hài hòa lợi ích; công bằng, minh bạch, các thành viên trong nhóm cùng có trách nhiệm trong việc chia sẻ kinh nghiệm, truyền đạt kỹ thuật theo phương thức hộ làm tốt, làm trước phổ biến hướng dẫn cho những hộ mới, hộ làm sau. Tham gia vào nhóm các thành viên sẽ được hỗ trợ cho vay vốn để đầu tư con giống, chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi gà thương phẩm, đồng thời giúp các thành viên trong nhóm tiêu thụ sản phẩm.
Việc lựa chọn các thành viên tham gia nhóm nuôi gà cùng sở thích của anh trên tinh thần tự nguyện nhưng không dễ dãi mà phải là những người thực sự tâm huyết với nghề. Theo anh Tuấn: “Làm kinh tế không thể theo phong trào, nhất là chăn nuôi, sự liên kết giữa các hộ trong chăn nuôi sẽ là thế mạnh để các hộ cùng hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế và đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm. Việc các thành viên trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, các hộ nuôi nhỏ lẻ sẽ không thể có tiếng nói trọng lượng trong đàm phán, thương lượng nếu không có sản phẩm tốt, số lượng đủ lớn đáp ứng nhu cầu của đối tác cũng như thị trường”.
Đến nay, nhóm cùng sở thích chăn nuôi gà do anh Tuấn làm trưởng nhóm có hơn 90 thành viên, chủ yếu ở địa bàn các xã của huyện Trấn Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái. Quy mô chăn nuôi của các hộ trung bình khoảng 3.000 - 5.000 con/lứa, có những hộ có quy mô lên đến 10.000 con/lứa. Để đảm bảo các hộ chăn nuôi có hiệu quả và điều tiết ổn định đầu ra, anh Tuấn đứng ra tổ chức, lập kế hoạch cung cấp đầu vào từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vật tư và tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết chăn nuôi có hiệu quả. Trung bình mỗi tháng nhóm nuôi gà của anh xuất bán ra thị trường khoảng 120 tấn gà, với giá bán khoảng 60.000 đồng/kg cũng đem lại nguồn thu hơn 7 tỷ đồng.
Anh Tuấn cho biết thêm: “Các thành viên trong nhóm của anh đều nuôi giống gà Minh Dư của Bình Định và sử dụng nguồn cám của Tập đoàn Sản xuất thức ăn chăn nuôi Dabaco. Nhóm đã đã ký kết với một số thương lái lớn ở chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ, Thường Tín, Hà Nội với nguồn cung ổn định. Việc phát triển thêm các thành viên mới không phải là mục tiêu của Tổ hợp tác mà liên kết bền chặt để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đủ sức cạnh tranh, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định và thu nhập có lãi cao cho người chăn nuôi mới là mục tiêu chiến lược được nhóm đặt lên hàng đầu”.
Trung bình mỗi tháng anh lấy 3 phiên, mỗi phiên khoảng 12 - 15 nghìn con để phân phối cho các anh em trong câu lạc bộ. Anh cũng là đại lý phân phối cám, vật tư cho cả nhóm, đồng thời tư vấn, hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc về chăn nuôi gà cho các thành viên trong nhóm.
Anh Nguyễn Tiến Sơn, thôn 8, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, một trong những thành viên của nhóm, vì đam mê với nghề nuôi gà nên đầu năm 2018 anh đã nghỉ nghề dạy học để tập trung phát triển chăn nuôi. Năm 2011, bắt đầu nuôi 300 con gà Minh Dư, mong muốn của anh ngày ấy chỉ để cải thiện cho kinh tế gia đình, đỡ phí đất bỏ không, dùng phân gà trồng cây ăn quả. Qua sự động viên và hướng dẫn của anh Tuấn, anh Sơn đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, anh Sơn đã có một hệ thống 3 chuồng nuôi gà được xây dựng một cách khoa học, mỗi chuồng rộng khoảng hơn 400 m2, mỗi lứa anh nuôi khoảng 7.000 con, mỗi năm 3 lứa, sau khi trừ đi chi phí cũng cho thu lãi hơn 600 triệu đồng.
Anh Sơn tâm sự: “Liên kết trong phát triển chăn nuôi gà không phải là không có rủi ro, vì nếu có dịch bệnh thì độ phát tán nhanh, khó kiểm soát hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, khi liên kết phát triển chăn nuôi theo nhóm, đàn gà các hộ nhập chuồng lệch nhau về thời gian nên các thành viên có thể hỗ trợ nhau trong sản xuất như tiêm phòng, nhỏ vắc xin,… và tuần nào cũng có gà thịt đủ yêu cầu để xuất bán, đặc biệt là không phải lo tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Từ thành công của mô hình liên kết tự nguyện nhóm hộ trong phát triển chăn nuôi mà Hoàng Huy Tuấn là người khởi xướng đã khẳng định được đây là hướng đi đúng của sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, giúp giải quyết được những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm. Từ những kết quả đã đạt được và những mục tiêu trong năm 2018, anh Tuấn cùng các thành viên trong nhóm nuôi gà sẽ chuẩn bị các thủ tục để thành lập hợp tác xã, đăng ký chăn nuôi tiêu chuẩn an toàn VietGAP, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gà Yên Bái.