Tiêu biểu là mô hình của gia đình ông Nguyễn Xuân Thu (sinh năm 1957) ở thôn Đồng Lâm, xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình. Từ 3 ha diện tích đất bãi hoang hóa ven sông, ông đã cải tạo để xây dựng thành công mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp nuôi lợn thương phẩm, đem lại cho gia đình hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Thu cho biết: “Năm 1996, sau thời gian dài trăn trở với bài toán kinh tế, được sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương, tôi nhận khoán 3 ha đất bãi hoang hóa ven sông. Có đất, tôi dành 2 ha đào ao nuôi hàng vạn cá nước ngọt với hàng chục loại, diện tích còn lại tôi đầu tư xây dựng chuồng nuôi lợn với đàn lợnnái 20 con, lợn thương phẩm duy trì 500 con mỗi năm”.
Ông Nguyễn Xuân Thu bên trang trại của gia đình
Để có kiến thức nuôi trồng thủy sản và nuôi lợn, ngoài việc tìm tòi qua sách báo, các phương tiện truyền thông đại chúng, ông cùng các thành viên trong gia đình đã bỏ nhiều thời gian và công sức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại nuôi cá nước ngọt, nuôi lợn thương phẩm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, cũng như tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng những điều hữu ích vào mô hình của mình. Nhờ đó, ao cá và đàn lợn của gia đình ông luôn khỏe mạnh, tăng trưởng tốt, không bị bệnh dịch.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá, ông cho biết mình thường lựa chọn các loại cá truyền thống để dễ nuôi, dễ chăm sóc, ít dịch bệnh như: trắm, chép, rô, mè, bống, trôi... Thức ăn cho cá chủ yếu là ngô, thóc mầm và bổ sung lượng nhỏ cám công nghiệp. Theo ông, điều quan trọng nhất để đàn cá khỏe mạnh là luôn giữ cho nguồn nước của ao không bị ô nhiễm, chú ý vớt các phần thức ăn dư thừa hàng ngày. Khi có biểu hiện không tốt về môi trường nước cần kịp thời xử lý bằng vôi bột hoặc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học được phép của BộNông nghiệp và PTNT.
Được biết, năm 2017 vừa qua, mô hình của gia đình ông cung cấp cho thị trường 15 tấn cá và 20 tấn lợn thịt, cho doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng. Hàng năm, mô hình tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và việc làm thời vụ cho 15- 20 lao động địa phương. Từ thực tế hiệu quả mô hình của gia đình ông cho thấy, nếu hội viên nông dân thực sự quan tâm học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tốt kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thì mô hình sẽ thực sự phát huy hiệu quả kinh tế cao.
Những nỗ lực vươn lên không ngừng của ông Nguyễn Xuân Thu trong phát triển kinh tế đã được ghi nhận khi giờ đây ông đã có kinh tế vững vàng, một cuộc sống gia đình sung túc. Đặc biệt, năm 2017 vừa qua, ông đã vinh dự được Trung ương Hội Nông dân trao tặng danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương giai đoạn 2012-2016.
Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, điều đáng quý hơn là ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu và hỗ trợ về vốn, giống cho các hộ nông dân khác; vận động bà con tích cực hợp tác, liên kết vào các Hợp tác xã, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ sự thành công của mô hình, nhiều hộ khác của xã Quỳnh Phú cũng đã mạnh dạn làm theo và thu được những kết quả đáng khích lệ.
Để lan tỏa nhiều điển hình phát triển kinh tế hiệu quả như mô hình gia đình hội viên Nguyễn Xuân Thu, đồng chí Trần Đăng Hởi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Bình cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Gia Bình chủ trương khuyến khích hội viên nông dân trong huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, qua đó đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất để góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phát triển bền vững./.