Năm 2008, anh Phi bén duyên với nghề nuôi heo rừng rất tình cờ. Một lần, anh được mời tham dự buổi tập huấn về kỹ thuật nuôi heo rừng do UBND xã Tam Lãnh tổ chức. Trong đợt tập huấn đó, anh được tham quan một trại chăn nuôi heo rừng tại xã. Anh thấy so với nuôi heo nhà thì nuôi heo rừng cũng thú vị, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ dễ dàng hơn. Từ đó, anh bàn với vợ mua 3 con heo rừng về nuôi thử và thấy nuôi heo rừng cũng không khó.
Anh Phi nói: “Heo rừng là động vật hoang dã, sống nơi núi rừng, chịu được lạnh và nóng, thích ủi đất để kiếm mồi, ít ngủ, vận động thường xuyên và tạp ăn. Vì vậy, tôi đã tạo ra môi trường phù hợp với đặc điểm của loại heo này. Chuồng trại tôi chọn xa khu dân cư có bóng cây che mát, thuận tiện bơm nước, diện tích rộng tương đối, đảm bảo cho heo vận động như trong điều kiện hoang dã. Sau đó tôi làm chuồng cho heo ngủ gồm nhiều ô, mỗi ô có diện tích 5 m2 cho 2 – 3 con. Ngoài ra, tôi còn đào hố giữ nước để cho heo tắm và lăn lấm. Xung quanh khu chuồng nuôi được rào lưới B40. Trong khu chăn nuôi bố trí máng uống, máng ăn cho heo ăn uống. Khi có chuồng trại đảm bảo phù hợp với đặc điểm giống heo này thì chỉ cần cho heo ăn uống đầy đủ ngày ba bữa là heo phát triển tốt. Thức ăn cho heo rừng khác với heo nhà, chủ yếu là các loại rau, củ, quả như rau lang, rau muống, cỏ voi, cỏ sả, cỏ các loại, chuối cây, bí đỏ, khoai sắn… Tôi chỉ cần cắt rau, cỏ, củ, quả… để sống ném vào là heo ăn ngon lành. Ngoài ra tôi cũng cho heo ăn thêm bột cám và bột hỗn hợp giai đoạn heo còn nhỏ”.
Khi hỏi về dịch bệnh trên heo rừng anh Phi chia sẻ: “Heo rừng có sức đề kháng mạnh hơn heo nhà nên các bệnh không phải là dịch thì heo tự vượt qua được. Tuy nhiên heo rừng vẫn mắc các bệnh giống heo nhà nên cần tiêm phòng vắc-xin tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng khi heo đạt từ 30 đến 40 ngày tuổi. Ngoài ra, những bệnh thường gặp trên heo rừng là bệnh rối loạn tiêu hóa, viêm phổi, Ecoli ở heo con”. Để phòng bệnh hiệu quả cho heo rừng anh Phi nhấn mạnh công tác sát trùng chuồng trại bằng vôi, thuốc sát trùng; không để cho heo quá nóng hoặc quá lạnh; không cho heo uống nước rửa thịt cá mua ngoài chợ về; không cho nhiều người lạ vào tham quan mô hình. Khi heo bị đau bụng tiêu chảy, sử dụng lá hoàn ngọc cho ăn, cho heo uống nước sạch. Khi phát hiện heo bỏ ăn nên liên hệ thú y ở cở sở gần nhất để kịp thời điều trị. Giống heo rừng động dục chậm hơn heo nhà, 8 tháng heo mới động dục. Heo mang thai từ 114 đến 120 ngày là đẻ, số con đẻ ra thường 5 -6 con, sau đó heo mẹ tự cho con bú.
Bên cạnh giống heo rừng thì giống heo mọi cũng được thị trường ưa chuộng, đặc biệt các huyện miền núi đang có nhu cầu heo mọi giống để phục vụ công tác bảo tồn các giống heo bản địa. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh Phi mở rộng chuồng trại nuôi thêm giống heo mọi. Để con giống được đảm bảo, anh đã tìm tòi và mua con giống heo mọi tại một hộ dân ở huyện Nam Giang. Với cách nuôi và phát triển đàn giống như nuôi heo rừng, dần dần anh đã phát triển và tự chủ được đàn giống heo mọi. Nhằm có đủ số lượng sản phẩm heo mọi, heo rừng cung cấp cho thị trường, anh liên kết với 5 hộ chăn nuôi khác (anh gọi là các vệ tinh) để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật và cung ứng con giống, cũng như thu mua sản phẩm đầu ra cho 5 hộ dân cùng phát triển. Vì vậy, bắt đầu sang năm thứ ba thì anh Phi đã có đủ con giống, thịt để cung ứng cho thị trường.
Mô hình nuôi heo mọi của một hộ dân liên kết với anh Phi
Để quảng bá sản phẩm anh đã đăng ký đưa sản phẩm vào các hội chợ được tổ chức trong tỉnh, Ngoài ra anh cũng liên hệ giới thiệu thông tin về mô hình của mình đến các nhà hàng, quán ăn, người thân, bạn bè, cơ quan nhà nước…. Do vậy sản phẩm của anh nhanh chóng được nhiều người biết đến. Trong năm 2018, anh ký hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam cung ứng 24 con giống heo mọi cho 6 hộ nông dân tại thôn 4, thôn 5 của xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, anh còn cung ứng con giống heo rừng, thịt heo rừng và heo mọi trong và ngoài tỉnh.
Được biết, bên cạnh việc đầu tư phát triển đàn heo giống, anh Phi đang gây dựng thương hiệu cho sản phẩm anh làm ra bằng cách giữ uy tín đến mọi khách hàng của mình. Sản phẩm thịt heo anh nuôi ra phải thơm, ngon, nhiều nạc và an toàn. Quan điểm của anh Phi: “Tiêu thụ heo rừng, heo mọi không khó, nhưng cái khó là nuôi heo như thế nào để tạo ra sản phẩm thịt phải thơm, ngon, nạc và không bị mỡ nhiều, như vậy mới đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng”.
Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Phi đã trải qua 10 năm với vô vàn khó khăn và thử thách đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực lớn mới có thể vượt qua được. Hiện tại, mô hình của anh có tổng đàn khoảng 100 con các loại, trong đó có khoảng 40 con giống. Hằng tháng anh xuất bán bình quân là 10 con heo giống với giá thành 120 ngàn đồng/kg heo hơi; khoảng 150 kg heo thịt với giá 300 ngàn đồng/kg, anh có doanh thu là 54,6 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu được lợi nhuận trên 30 triệu đồng/tháng, tức trên 360 triệu đồng/năm.
Lúc này có thể khẳng định liên kết để cùng nhau phát triển là con đường dẫn đến thành công cho gia đình anh Phi nói riêng và nhóm hộ chăn nuôi heo rừng, heo mọi nói chung. Hiện tại anh đã liên kết chăn nuôi, nhận cung ứng con giống và thu mua sản phẩm đầu ra với 5 hộ dân cùng huyện và 6 hộ ngoài huyện.
Anh Phi tâm sự: “Muốn làm ăn bền vững thì cần phải có sự liên kết, độc lập một mình thì không thể làm nổi. Nếu một mình tôi nuôi thì số lượng heo giống có hạn và không đa dạng được nhiều sản phẩm. Nhưng nếu tôi biết liên kết lại thì khách hàng cần gì, khi nào, số lượng bao nhiêu,… tôi cũng có được và đủ để cung ứng kịp thời”.