Tuy nhiên, việc chăm sóc đê cây cà phê cho năng suất cao luôn là vấn đề khiến bà con phải trăn trở suy nghĩ. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhưng năng suất cà phê vẫn còn thấp, chưa tương xứng với những gì mà thiên nhiên ưu đãi. Nguyên nhân phần lớn do diện tích cà phê đã già cỗi, hoặc một số diện tích bị bệnh vàng lá do rễ bị nấm và tuyến trùng xâm nhập. Vấn đề khó khăn này đã được người dân trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giải quyết bằng cách ghép cải tạo hoặc luân canh cây ngắn ngày rồi trồng mới. Ghép cải tạo hay trồng mới không phải lúc nào cũng thành công nếu không biết vận dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật và những kinh nghiệm thực tế của người trồng cà phê. Người tôi muốn nhắc đến là anh Đỗ Hoàng Yên ở thôn Đức An, xã Thuận An, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê của gia đình, anh Yên tâm sự: Cây cà phê được gia đình anh trồng từ năm 1996. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, ban đầu gia đình anh mua giống không rõ nguồn gốc nên cây hay bị bệnh, nhất là bệnh rỉ sắt và đốm mắt cua. Vườn cà phê thường xuyên phải phun xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh. Dù đã được đầu tư chăm sóc, chịu khó lao động nhưng do năng suất thấp chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận thu được chỉ đủ trang trải cuộc sống và quay vòng đầu tư, không dư giả được bao nhiêu. Nhiều lúc anh đã nghĩ tới việc phải thay thế loại cây trồng khác để cải thiện cuộc sống gia đình.
Năm 2012, anh đã mạnh dạn cưa toàn bộ vườn cà phê với diện tích trên 1ha để ghép cải tạo bằng giống các giống cà phê mới năng suất cao hơn như dòng vô tính TR4 và dòng cà phê dây tại địa phương. Do nắm chắc kỹ thuật ghép và chăm sóc vườn sau ghép, tỷ lệ cây và chồi ghép đạt trên 96%, từ thực tế của gia đình mình, anh cho rằng, vườn cà phê giống ghép đã cho năng suất cao hơn 1,5 tới 2 lần so với trước khi ghép.
Sau khi ghép, mầm ghép phát triển tốt, mập mạp, khỏe mạnh. Sau 1 năm cây đã cho thu bói, nhưng anh đã bỏ lứa hoa đầu để cây cà phê tập chung dinh dưỡng nuôi cây, đến năm thứ 3 thì cây bắt đầu cho năng suất ổn định. Cà phê ghép có ưu điểm hơn cà phê già là khoảng cách giữa các chùm quả dầy, hạt to đều trong khi cây cà phê già hạt không đều, dễ bị dập nát. Đến nay, với 1ha cà phê ghép cho năng suất ổn định hơn 4 tấn nhân/ha. Với giá bán thấp như năm 2017 là 36.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, vườn cà phê của gia đình anh vẫn thu lãi trên 85 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả của cách làm này, anh cho biết sẽ ghép cải tạo dần 5 sào cà phê già còn lại để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Anh Đỗ Hoàng Yên đang chăm sóc vườn cà phê ghép của gia đình
Những năm đầu anh thấy cây cà phê sau khi ghép vẫn còn xuất hiện sâu, bệnh nhưng những năm về sau thì bệnh ít dần nên đỡ tốn chi phí phun thuốc trị bệnh. Tùy vào năng suất thu hoạch mà anh sử dụng thêm phân bón phù hợp để bù lại năng suất đã mất đi giúp cây không bị kiệt sức. Gia đình anh thường dùng loại phân NPK 16:16:8 vào đầu mùa mưa, phân NPK 20:20:15 vào giữa mùa mưa. Nếu vụ nào cây cho trái nhiều thì cần bón thêm kali và phân bón lá để bổ sung thêm vi lượng cho cây. Đặc biệt anh rất chú trọng đến việc sử dụng phân chuồng ủ hoai để bón cho cây cà phê (10 - 15 kg phân chuồng ủ hoai/cây). Phân chuồng ủ hoai sẽ giúp cải tạo đất, giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Sử dụng biện pháp ghép cải tạo làm trẻ hóa cây cà phê là một biện pháp kỹ thuật đơn giản, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa nâng cao hiệu quả canh tác. Thiết nghĩ bà con nên học hỏi để áp dụng biện pháp trên cho vườn cà phê già, năng suất thấp nhằm cải thiện hiệu quả kinh tế./.