Mục tiêu của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp tại Bà Rịa-VũngTàu nhằm thực hiện theo định hướng của Chính phủ là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB, WEF , WIPO, UN, về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4; Cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định; khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh…
Để thực hiện các mục tiêu trên, Tỉnh đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện:
Thứ nhất, tăng cường trách nhiệm của các Sở được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các sở được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần. Cụ thể như: Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Môi trường kinh doanh của WB và Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF; Sở Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo của WIPO và nhóm chỉ số Công nghệ và Đổi mới sáng tạo theo đánh giá Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai của WEF; Sở Công thương làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Hiệu quả logistics của WB; Sở Du lịch làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch của WEF; Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối theo dõi bộ chỉ sổ Phát triển Chính phủ điện tử của UN;…
Thứ hai, tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018. Theo đó, UBND tỉnh có yêu cầu các sở ngành tiếp tục rà soát, kiến nghị UBND tỉnh trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III năm 2019.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia. Dự kiến đến hết năm 2019 phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gồm: (i) áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa; (ii) chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hóa tại thị trường nội địa; (iii) minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS ở cấp độ chi tiết; minh bạch về chế độ quản lý và chi phí; (iv) áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Thứ tư, đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 04. Các cơ quan, đơn vị được yêu cầu phảithực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Thứ năm, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup). UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi thẩm quyền khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư thực hiện vai trò "bà đỡ" cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
Thứ sáu, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, bao gồm các chi phí: chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường; chi phí tuân thủ pháp luật về xây dụng cơ sở sản xuất, kỉnh doanh; chi phí tín dụng và dịch vụ ngân hàng; chi phí lao động; chi phí khoa học công nghệ; chỉ phí logistics và thương mại qua biên giới…
Cũng theo Kế hoạch hành động, UBND tỉnh yêu cầu các Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đơn vị làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.