Tiếp tôi trong căn nhà khang trang, bề thế với nhiều tiện nghi sang trọng mà gia đình anh Nam đang ở, tôi lắng nghe những lời anh chia sẻ. Anh Nam nhập ngũ tháng 2/1975 và ra quân với quân hàm đại úy pháo binh, trở về địa phương sau 13 năm tham gia quân ngũ với chế độ bệnh binh (nay là mất sức). Trước đây, anh ở làng Vân Cô, đất đai chật hẹp nên đời sống khó khăn. Nung nấu trong tâm trí của người lính Cụ Hồ, anh Nam đã cùng với gia đình tập trung phát triển kinh tế để xóa đi cảnh nghèo đói đeo đẳng, tìm cơ hội làm giàu ở mảnh đất quê hương. Tại thời điểm phong trào hội viên CCB giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng do Hội CCB huyện phát động liên tục mạnh mẽ trong nhiều năm và đạt được nhiều kết quả tốt đã “tiếp lửa” thôi thúc anh khắc phục mọi khó khăn thi đua vượt lên.
CCB Trần Giang Nam trước căn nhà khang trang của gia đình mình
Ảnh minh họa
Năm 1996, gia đình anh Nam chuyển đến nơi ở hiện nay là thôn Nhạn Trạch cùng xã. Anh mạnh dạn đấu thầu 1,5 ha đất tại khu vực khó sản xuất để phát triển kinh tế trang trại tổng hợp trong thời hạn 50 năm. Nguồn vốn ban đầu còn hạn hẹp, nhưng với bản tính cần cù chịu khó “năng nhặt, chặt bị”, tích cóp tiết kiệm chi tiêu trong gia đình để ưu tiên vốn đầu tư triển kinh tế ổn định đời sống”, và “có đất, có tiền, có lao động, có cơ chế, môi trường thuận lợi...thì sẽ có tất cả” – anh Nam nói.
Trên cơ sở quỹ đất hiện có, anh Nam sử dụng 0,5 ha đất để trồng 2 vụ lúa; năng suất bình quân đạt 5 tấn thóc/ha/vụ, bán với giá thị trường cũng thu được 35 triệu đồng (trừ chi phí, thu lãi 15 triệu đồng/năm). Trên diện tích ao thả cá 0,5 ha, anh Nam thả các loại cá truyền thống như trắm cỏ, trôi, mè, chép... mỗi năm nuôi thả 2 vụ; trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi trên 60 triệu đồng/ha cá thương phẩm. Cây ăn quả các loại như na, nhãn, vải thiều, bưởi, chuối... trồng trên diện tích khoảng 500 m2, mỗi năm thu hoạch cũng lãi tới 15 triệu đồng. Với lợi thế bạt ngàn hoa cây rừng, cây trong vườn rừng nên anh đã nuôi tới 30 đàn ong mật..., mỗi năm trừ chi phí cũng thu nhập khoảng 15 triệu đồng.
Dẫn tôi tới thăm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (có diện tích 500 m2), anh Nam tiếp tục cho biết, đàn lợn thịt thường xuyên trong chuồng mỗi năm trên 30 con; xuất chuồng 3 lứa lợn/năm, gia đình anh thu lãi 30 triệu đồng/năm. Anh nhẩm tính rồi nói: “Tính sơ sơ sau một năm lăn lộn vất vả nhưng công sức, tiền của bỏ ra cũng bõ công anh ạ. Nếu trừ chi phí đầu tư (tôi chỉ thuê rất ít nhân công khi thu hoạch lúa và đánh bắt cá), mỗi năm gia đình tôi lãi ròng cũng được từ 135 - 140 triệu đồng”...
Để đạt được kết quả đó, gia đình anh Nam đã áp dụng kinh nghiệm từ dân gian như chú trọng “nước, phân, cần, giống”, kết hợp với tích cực chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, giá cả, tìm đầu ra cho sản phẩm... Ngoài ra bản thân anh Nam luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm thực tế ở các nơi thành công để áp dụng hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao hơn.
Chia tay anh Nam, tôi thật sự khâm phục những người lính Cụ Hồ sau khi hoàn thành nhiệm vụ về với đời thường, lại tiếp tục lăn lộn, gương mẫu trên “mặt trận” phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu. Những mô hình kinh tế như mô hình của CCB Trần Giang Nam nên được nhân rộng để góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở mọi miền quê trong cả nước.