Cử nhân, thạc sỹ trồng rau
Sinh sống ở cùng huyện nên mô hình trồng rau sạch của đôi vợ chồng trẻ Lê Đình Quả và Lê Thị Thanh Thủy ở thôn Kéc, xã Hòa Trạch (Bố Trạch) chẳng còn xa lạ gì đối với người viết.
Từng có những công việc ổn định và nhiều cơ hội thăng tiến ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ cùng một cuộc sống đáng mơ ước tại thành phố biển Quy Nhơn, đôi vợ chồng trẻ độ tuổi gần 34, 35 ấy vẫn quyết định từ bỏ tất cả để trở về quê hương Quảng Bình, thực hiện niềm đam mê và quyết tâm trồng rau sạch, xây dựng thương hiệu rau sạch phục vụ cho người tiêu dùng trong tỉnh.
Sau khi tìm mua được một mảnh đất rộng chừng 2,5 ha tại thôn Kéc, xã Hòa Trạch, tháng 6 năm 2016, đôi vợ chồng trẻ Lê Đình Quả và Lê Thị Thanh Thủy quyết định xin ra khỏi biên chế nhà nước, chính thức từ bỏ cuộc đời "công chức" chuyển hẳn về Quảng Bình sinh sống để làm những người nông dân thực thụ.
Bằng những kiến thức tích lũy được từ thời còn công tác và quá trình tự học, tự nghiên cứu thông qua các loại sách, vở, tài liệu, mặc dù từ trước đến nay chưa phải "xắn tay" để trực tiếp làm nhiều công việc nhà nông, nhưng chưa đầy 01 năm trở về quê lập nghiệp, bằng sức sáng tạo của tuổi trẻ, đến nay nhìn chung họ đã thành công với mô hình trang trại rau sạch của mình.
Bên cạnh việc lựa chọn những loại giống rau có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các quy trình làm đất khoa học, bài bản, vợ chồng anh chị đã dày công nghiên cứu, tìm nhiều phương pháp nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại cho rau cũng như tự chế được các loại chế phẩm từ gừng, ớt và tỏi ngâm rượu để phòng trừ sâu bệnh cho cây rau... Bởi thế cho nên dù mới thực hiện mô hình trong thời gian chưa nhiều, nhưng cả vườn rau sạch của đôi vợ chồng trẻ này đã có khá nhiều loại như rau muống, rau đay, rau mồng tơi, rau dền, rau cải, măng tây,... Các loại rau được trồng dưới đất, trong thùng xốp, hay sử dụng xơ dừa làm giá thể. Các sản phẩm do họ làm ra với thương hiệu An Ninh đã thực sự có chỗ đứng trên thị trường, cũng như đủ các tiêu chuẩn để được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Mô hình trồng rau sạch của vợ chồng Lê Đình Quả và Lê Thị Thanh Thủy
Được các anh chị trong Thành Đoàn Đồng Hới giới thiệu, mô hình trồng rau của nữ cử nhân kế toán Nguyễn Thị Phương Lan, sinh 1984, ở xã miền biển Bảo Ninh, Đồng Hới cũng để lại trong tôi nhiều ấn tượng.
Kể lại quá trình khởi nghiệp với nghề nông, Phương Lan bộc bạch, năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm kế toán cho một doanh nghiệp lớn nhưng cũng năm đó do gia đình đấu thầu được 50 ha đất cát phía nam Bảo Ninh để làm trang trại, vì nhà neo người nên bố mẹ đã động viên cô nghỉ việc để về quê phụ giúp quản lý trang trại.
Sau bao nhiêu đêm trằn trọc, trăn trở, thậm chí có lúc "lưỡng lự" giữa việc "ở" và "đi", cuối cùng cô gái trẻ đã quyết tâm về quê để gắn bó với nghề trồng rau sạch trên cát. Từ diện tích đất được gia đình hỗ trợ, Phương Lan đã nghiêm túc, bài bản triển khai các công việc đầu tiên để thực hiện mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ, sạch của mình. Cô rất cẩn thận, khoa học từ các khâu chọn giống cây, quá trình làm đất, tưới nước, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho rau. Đến nay các sản phẩm dưa hấu, các loại rau sạch trên cát của Phương Lan đã được người tiêu dùng trên địa bàn Đồng Hới ghi nhận, đánh giá cao, mở ra một hướng làm ăn mới cho thanh niên nói riêng và người nông dân trong vùng nói chung.
Những cơ ngơi "bạc tỷ"
Một trong những nông dân tỷ phú đầu tiên mà tôi đã đến thăm là Ngôn Văn Duật, sinh năm 1984, chủ trang trại chăn nuôi gà thả vườn lớn nhất nhì xã miền biển Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Ngô Văn Duật cho biết, quê hương Ngư Thủy Trung của anh từ xưa đến nay vốn sinh sống bằng nghề đi biển là chủ yếu. Nhận thấy nguồn diện tích đất pha cát ven biển còn khá dồi dào, những năm qua, anh đã mạnh dạn nhận 350 m2 đất hoang hóa của địa phương để xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Từ nguồn vay của các tổ chức tín dụng cùng với số vốn tích lũy được của bản thân, hàng năm anh đầu tư khoảng 500 triệu đồng để thả nuôi mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa bình quân khoảng 6.000 con gà thịt thương phẩm. Nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như có kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật cần thiết, thực hiện nghiêm ngặt các khâu từ chọn giống, tiêm phòng vắc xin và chăm sóc hàng ngày, đàn gà của gia đình anh thả nuôi đều sinh trưởng tốt, hạn chế được dịch bệnh xảy ra, tỷ lệ hao hụt từng lứa khá ít. Bình quân mỗi lứa anh xuất bán được khoảng 9 tấn gà thịt thương phẩm, đưa về nguồn thu nhập gần 600 triệu/lứa.
Cùng với phát triển chăn nuôi, hiện nay Duật còn phát triển thêm nghề kinh doanh thức ăn gia súc, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động trong vùng với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình kinh tế của Ngô Văn Duật đã mang lại nguồn lãi gần 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh cũng đã tận tình hỗ trợ vốn, con giống, thức ăn, giúp 01 hộ gia đình trong xã thoát nghèo từ nghề chăn nuôi. Vừa qua, anh Duật được Hội Nông dân tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về những thành tích trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Không thể không nhắc đến một ông chủ trẻ ở Quảng Bình, đó là anh Đặng Ngọc Anh, sinh năm 1983 tại xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới. Kể về quá trình khởi nghiệp, Đặng Ngọc Anh cho biết, với tổng diện tích trang trại trên 1,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, hàng năm anh thả nuôi 5.000 con gà, vịt, ngan, ngỗng, nuôi 300 con chim bồ câu thương phẩm và xây dựng 4 lò ấp trứng, bình quân mỗi ngày ấp khoảng 2.500 quả trứng gà, vịt các loại cung cấp cho thị trường trong và ngoài thành phố Đồng Hới. Ngoài ra, tận dụng diện tích mặt nước ao hồ, hàng năm anh còn thả nuôi và thu về từ 5 – 7 tấn cá nước ngọt.
Hiện nay, mô hình trang trại của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 9 – 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, Đặng Ngọc Anh thu về nguồn lãi được trên 300 triệu đồng.
Ngược lên huyện miền núi Tuyên Hóa, tôi được gặp ông chủ trang trại trẻ Lê Đức Hà, ở xã Văn Hóa. Khi được hỏi về quá trình khởi nghiệp, Lê Đức Hà cho biết, nơi anh sinh sống và khởi nghiệp là một miền quê thuần nông, do vậy từ nhỏ anh và gia đình đã gắn bó nhiều với các công việc chăn nuôi và trồng trọt. Lớn lên, sau khi đã tốt nghiệp phổ thông, Hà không “ly hương” vào các tỉnh miền Nam để kiếm kế sinh nhai như các thanh niên đồng trang lứa, mà anh đã mạnh dạn ở lại quê hương để khởi nghiệp. Với số vốn vay từ các tổ chức tín dụng cùng tiền tích lũy được, anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo 13 ha đầm lầy thụt, không thể trồng lúa để phát triển chăn nuôi. Hiện nay, hàng năm gia đình Lê Đức Hà thả nuôi bình quân 600 con vịt đẻ, 2.000 con cá giống nước ngọt các loại, thả nuôi thêm 5 con trâu đẻ, 9 con lợn nái, đưa về tổng thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Trang trại chăn nuôi, nuôi cá nước ngọt của anh đã tạo việc làm cho 3 lao động ở trong vùng, với nguồn thu nhập bình quân từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Với những thành tích đã đạt được phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương, năm 2014, Lê Đức Hà vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen. Hiện nay, anh cũng đang tiếp tục được Hội Nông dân tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về những thành tích trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Mỗi lần có dịp gặp những gương mặt trẻ nhưng tiêu biểu trong phát triển kinh tế trang trại ở Quảng Bình, tôi đều cảm nhận được sức trẻ với lòng nhiệt huyết, trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, đã giúp họ có được sự thành công như ngày hôm nay. Điều đáng ghi nhận là từ những những thành công của các đoàn viên thanh niên này đã làm lan tỏa và xuất hiện nhiều mô hình kinh tế “ăn nên làm ra” ở mọi lĩnh vực trên mảnh đất Quảng Bình, góp phần xây dựng quê hương phát triển nhanh và bền vững.