Anh Huỳnh Quốc Trí Sinh chia sẻ, sau khi từ quân ngũ trở về, anh lập gia đình và mưu sinh trên mặt hồ Biển Lạc, tuy nhiên lượng thuỷ sản đánh bắt được ngày càng ít. Những đêm chài lưới trên hồ hay lúc tĩnh lặng nghỉ ngơi, câu nói của người xưa đúc kết “nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền” luôn làm anh suy tính. Thế là phương án nuôi trồng thuỷ sản thôi thúc anh bắt tay vào nuôi các con: trắm, trê, rô, chép, bống…. Nhưng oái oăm thay, vào mùa thu hoạch, mắt như bị ai xát ớt, cá chỉ mang bán rong ngoài chợ, tiền bỏ ra cả nắm, nay thu lại từng đồng bạc lẻ, làm thối chí nản lòng biết bao.
Một buổi sáng, sau đêm chài lưới trên mặt hồ hoàn tất, đang nghỉ ngơi trên cánh võng ở chái hiên, vẳng nghe lời phát thanh: “Xã Gia An quyết tâm xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hoá và mọi người gia tăng sản xuất để tăng thu nhập, làm giàu ở chính quê mình…”. Ý nghĩ thoáng qua “cuộc sống của mình đã ấm no rồi, giờ thì phải làm giàu chứ, từ sản xuất, dịch vụ hay món ngon đây?”. Qua bạn bè, người phương xa hỏi thăm đường đi hành hương Đức mẹ Tà Pao, câu đùa giỡn của họ “chưa ăn chả cá thát lát là chưa tới Tánh Linh”. Nhận thấy địa phương có tiềm năng phát triển nghề nuôi cá thát lát với món ngon chả cá trong tương lai. Ban đầu, với nghề đánh bắt thuỷ sản nước ngọt, anh thu được những con thát lát ngoài tự nhiên về thả nuôi trong ao để vỗ béo nên kích cỡ đủ loại và khi cần lượng lớn không đáp ứng được. Sau đó, anh kết hợp với Khuyến nông thử nghiệm mô hình nuôi cá thát lát cườm (còn gọi là cá Nàng Hai) bằng thức ăn công nghiệp theo hướng an toàn sinh học (ATSH) gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, qua đó phát triển thương hiệu chả cá thát lát vùng hồ Biển Lạc - Tánh Linh.
Việc nuôi cá thát lát đã hạn chế tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Trong quá trình nuôi không sử dụng các loại hóa chất cấm, không sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng các loại hóa chất an toàn cho cá nuôi và con người như vôi bột, muối, tỏi xay nhuyễn, lá cây xoan… để hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước, tạo được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần ổn định đầu ra của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.
Anh Sinh nuôi cá thát lát cườm theo hướng an toàn sinh học trong lồng bè
Với kinh nghiệm làm nghề chài lưới, anh hiểu rõ tập tính săn mồi của từng loài “tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông”, “Nàng Hai” của anh rất nhút nhát, có tập tính bắt mồi ban đêm nên anh chia khẩu phần ăn trong ngày khác nhau. Buổi sáng ít hơn, chiếm 1/3 lượng thức ăn, bao gồm một ít cám công nghiệp, tỏi xay nhuyễn, còn lại chủ yếu là cá lòng tong, tép, cá nhỏ.. đánh bắt được. Thức ăn cho cá buổi đêm chủ yếu là cám công nghiệp và một ít cá nhỏ còn sống, cho ăn trước khi đi kéo chài. Anh quan sát hoạt động bắt mồi của Nàng Hai, theo dõi mức tiêu thụ thức ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa không gây ô nhiễm môi trường nước. Chính những hiểu biết tường tận và sự chăm sóc tỉ mẩn, “Nàng Hai” trong lồng tăng trọng trông thấy.
Vì nuôi theo hướng an toàn sinh học, anh treo các bó lá xoan ở 4 góc ao nuôi, dùng vôi sinh học tạt xuống ao với định lượng 2-3 kg/100 m2 mặt nước và lặp lại sau 20 ngày hoặc trước những ngày có mưa lớn để khử trùng phòng bệnh cho cá, giúp ổn định pH môi trường nước. Muốn môi trường nước được trong lành hơn, ngoài các biện pháp trên, anh còn thay nước ao nuôi định kỳ 2 tuần/lần.
Trong năm, anh Sinh và anh Bền cùng thực hiện mô hình nuôi cá thát lát cườm theo hướng an toàn sinh học, lượng giống thả nuôi ban đầu 2 vạn con. Sau 8 tháng nuôi, “Nàng Hai” đạt khối lượng 500 gram/con, tỷ lệ sống 70%, sản lượng ước đạt 6,74 tấn. Với giá bán buôn 90.000 đồng/kg, doanh thu đạt 606 triệu đồng, lợi nhuận thu được gần 200 triệu đồng.
Anh Sinh tâm sự: “Mình nuôi Nàng Hai theo hướng an toàn sinh học rồi, còn khi chế biến người ta thêm chất bảo quản sẽ hỏng công lao của mình”. Vì vậy, anh đã hợp tác cùng anh em mở xưởng chế biến chả cá thát lát và nói không với chất phụ gia. Đồng thời, phần phế phẩm chế biến được dùng làm thức ăn cho các loài cá nuôi khác hoặc cho chính “Nàng Hai”. Mong muốn của anh trong thời gian tới, chính quyền sẽ có quy hoạch vùng nuôi, quản lý tốt quy trình nuôi và những quy chuẩn chế biến không chất phụ gia thì thương hiệu chả cá thát lát vùng Biển Lạc sẽ được du khách gần xa nhớ mãi.