Sau một tuần từ khi giống tằm tuổi 4 (khoảng 11 ngày tuổi) được chị nhập từ một Công ty Dâu tằm về ương dưỡng là lúc đang trong giai đoạn tằm ăn rỗi. Tranh thủ chút thời gian, chị Hiền chia sẻ, trước đây khu đất này nghèo dinh dưỡng, chủ yếu là đất đá, canh tác các loại cây ngắn ngày cho năng suất thấp, giá trị sản phẩm không cao, thị trường không ổn định nên chủ nhân của khu đất muốn cho thuê. Là một người nông dân từng có kinh nghiệm nuôi tằm ăn lá sắn, nhìn khu đất chị Hiền nghĩ ngay đến việc phát triển trồng dâu nuôi tằm và đã mạnh dạn thuê lại khu đất. Có được ít vốn chị đến huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng - nơi nổi tiếng với nghề dâu tằm học hỏi và mua cây giống. Sau đó về nhà chị thiết kế hệ thống tưới phun tự động cho vườn dâu, dựng nhà, đóng khay nuôi tằm.
Chị Hiền cho biết hiện có nhiều giống dâu mới nhưng giống dâu tam bội thể mà chị đang trồng là giống trồng bằng hom cho lá to, dày gấp đôi lá dâu cũ, sinh trưởng khỏe, hàm lượng protein đạt từ 20-21%, trồng 4 tháng là cho thu hoạch. Lá cho tằm ăn cũng tùy vào giai đoạn tằm nuôi mà thu hái lá non, lá bánh tẻ, lá già sao cho phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tằm. Trong vườn dâu toàn bộ được thiết kế hệ thống tưới phun tự động. Sử dụng phân N-P-K bón cho cây dâu. Giai đoạn đầu có thể bón phun qua lá. Sau đó cứ 2 tháng lại bón tiếp một lần phân u-rê. Lượng bón tăng dần lên 120 - 125 kg/ha. Đến khi dâu cho thu hoạch lá, lượng bón 150 - 200 kg N-P-K/ha. Cứ một hecta trồng dâu cho lá nuôi được hai hộp tằm con. Nếu chăm sóc kỹ, bón phân hợp lý, sau một tuần là có thể thu lá nuôi tiếp 2 hộp.
Chị Hiền bên vườn dâu và khay tằm ăn rỗi
Hiện nay, nuôi tằm không còn nuôi trên nong mà làm khung sắt đặt khay, nuôi trực tiếp trên khay. Trong khay trải 1 lớp lưới, sau đó thả tằm vào và cho dâu để tằm ăn. Khi tằm chín, đặt né gỗ cho tằm lên, sau 3 ngày tạo kén, chỉ việc dùng máy thu kén. Nuôi tằm bằng khay hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống. Không phải bê nong lên xuống, thời điểm tằm ăn rỗi cũng rất nhàn, cứ việc cắt cả cành bỏ vào khay cho tằm ăn. Ngày trước né làm bằng tre còn bây giờ né làm bằng gỗ, chiều dài né bằng chiều rộng của khay, đóng thành các ô chữ nhật kích thước 2x4cm vừa đủ chỗ cho 1 con tằm tạo kén, không bị tình trạng kén đôi, khi thu hoạch có bàn ép đẩy kén ra, không phải nhặt như khi sử dụng né tre.
“Trong thời gian nuôi tránh ảnh hưởng từ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt con trùng, đảm bảo nhiệt độ ánh sáng, độ ẩm phù hợp với sự sinh trưởng và phát dục của tằm.” - Chị Hiền chia sẻ thêm.
Nhờ có kinh nghiệm và biết áp dụng công nghệ mới vào việc trồng dâu nuôi tằm, gia đình chị Hiền có thu nhập đều đặn hàng tháng. Kén sản xuất ra luôn được thị trường khắp nơi ưa chuộng. Với diện tích 4 ha dâu đang cho lá, 250m2 khay nuôi, mỗi tháng chị nuôi 9 hộp tằm con, gối đầu trong 3 đợt.
Để hạn chế chế rủi ro và giảm công chăm sóc, cơ sở của chị thường nhập tằm con ở giai đoạn tằm 4 (khoảng 11 ngày tuổi). Mỗi hộp tằm cho trung bình 50 kg kén. Mỗi tháng gia đình thu hoạch khoảng 450 kg kén. Với giá bán giao động trong năm từ 90.000 - 120.000 đồng/kg, trừ thời gian nghỉ vệ sinh khay lưới, kinh phí thuê đất, vật tư, con giống và công chăm sóc, mỗi năm gia đình thu lợi khoảng 250 triệu đồng.
Có thể nói việc trồng dâu lấy lá nuôi tằm trên vùng đất đá bạc màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng các loài cây ngắn ngày khác, trong khi chi phí lại thấp, vốn đầu tư ít, thời gian thu hoạch, quay vòng vốn nhanh, là một trong nhưng mô hình hiệu quả trên địa bàn để giới thiệu đến người dân tham quan, học tập và nhân rộng.