Để mô hình này mang lại hiệu quả cao, gia đình ông chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu làm đất, chuẩn bị cây trụ bê tông, lựa chọn cây giống... Tổng chi phí ban đầu thực hiện mô hình gần 120 triệu đồng.
Trong quá trình trồng và chăm sóc, gia đình ông chủ động phòng trừ sâu bệnh; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng. Hiện nay 540 gốc cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông Chung đã cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Ban đầu thực hiện mô hình, gia đình cũng gặp khó khăn, nhưng nhờ học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện, xã tổ chức nên gia đình tôi đã nắm vững hơn các kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long. Hiện nay, mô hình đã cho thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Điều đặc biệt là tôi đã xử lý cho thanh long ra hoa trái vụ theo ý mình, đáp ứng nhu cầu thị trường quanh năm, nên đạt lợi nhuận cao. Trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng loại cây này”.
Thanh long ruột đỏ rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Chỉ cần đầu tư giống ban đầu, sau đó có thể cắt cành giâm làm giống. Một năm, thanh long ruột đỏ cho thu hoạch khoảng 10 đợt, sản lượng tăng dần trong những năm tiếp theo và đặc biệt tuổi thọ của cây bình quân từ 30-40 năm tùy theo việc chăm sóc.
Tại thời điểm này, mỗi ngày, gia đình ông Chung thu hái hơn 100 kg trái thanh long, giá bán tại vườn trung bình từ 20.000-22.000 đồng/kg. Hàng năm, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông lãi hơn 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Chung (trái) đang hướng dẫn cách chăm sóc thanh long ruột đỏ cho khách tham quan
Ông Lê Văn Xinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Trồng thanh long ruột đỏ là mô hình mới, rất phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số loại cây ăn quả thông thường. Hướng đến, chúng tôi sẽ tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện đến thăm quan, học tập mô hình để về nhân rộng tại địa phương mình. Bên cạnh đó, Hội sẽ tích cực tuyên truyền vận động bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Với những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả trên, ông Nguyễn Văn Chung mang giải pháp của gia đình tham gia Hội thi “Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2018” do Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức. Giải pháp “trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ” của ông đạt giải Nhất tại Hội thi.