Dê, bò dưới tán rừng, lấy chăn nuôi mở rộng diện tích rừng
10/11/2017
Hiệu quả ban đầu đạt được, anh Tư đã đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng rừng bằng cách gom đất lâm nghiệp ở các hộ xung quanh từ lợi nhuận chăn nuôi thuận lợi.

Nhờ áp dụng mô hình nông lâm kết hợp phát triển chăn nuôi dê, bò dưới tán rừng, gia đình anh Nguyễn Văn Tư (40 tuổi) ở thôn Nước Ngọt, xã Cam Lập, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) không chỉ chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc, mà còn “lấy ngắn nuôi dài” phát triển diện tích rừng lên đến hàng chục ha.

Sau 15 năm gây dựng mô hình nông lâm kết hợp phát triển chăn nuôi dê, bò dưới tán rừng, anh Nguyễn Văn Tư tâm sự: “Giờ đây gia đình tôi chẳng phải làm nhiều, có thể thảnh thơi ngồi uống trà vì đã qua thời gian lao động khổ cực. Bởi lẽ cánh rừng rộng hàng chục ha, trong đó nhiều diện tích cây rừng tự nhiên như xay, lim, trâm, ké… được tôi gìn giữ từ những cây con tái sinh và cây ăn quả như điều, xoài, mít… trồng dặm đang đến ngày thu hoạch. Còn đàn dê, bò với số lượng gần 100 con được thả trong khu rừng khép kín không lo thiếu thức ăn, vì cỏ và lá rừng rất dồi dào”.

Theo anh Tư, mô hình này cho gia đình thu nhập mỗi năm trên dưới 150 triệu đồng, chưa tính thu nhập từ rừng. Nếu tính cả khai thác rừng thì doanh thu lên đến hàng tỷ đồng.

Nhớ những ngày đầu lập nghiệp, anh Tư kể, sau khi lấy vợ, năm 2002 anh về đây khai phá làm rẫy khi vùng đất này còn khá hoang vu. Với địa hình vách đá dựng đứng, đất nghèo dinh dưỡng, lại khô cằn nên anh nghĩ chỉ có phát triển chăn nuôi là thích hợp. Từ đó, anh đầu tư mua 50 con dê và vài con bò về nuôi theo kiểu bán chăn thả. Tuy nhiên khi đàn gia súc phát triển đòi hỏi nguồn thức ăn lớn trong khi anh không có đất trồng cỏ.

“Khi đàn gia súc nhà tôi phát triển hàng trăm con thì nguồn thức ăn nhiều khi thiếu thốn. Tôi phải chăn dắt đàn đi ăn xa, không chỉ tốn sức mà còn tốn thêm chi phí thuê lao động. Do đó tôi luôn trăn trở phải làm gì để có đủ nguồn thức ăn cho gia súc? Rồi tôi nghĩ đến chỉ có nuôi dưỡng rừng mới tạo được nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Với diện tích ban đầu được gia đình giao cho 5ha đất vườn đồi, tôi ra sức phát dọn những cây bụi rậm, dây leo, chỉ để lại một số cây rừng tự nhiên như tràm, ké, muồng, mìn lin… đồng thời trồng dặm thêm cây keo, bạch đàn, xoan, điều, xoài, mít…

Nhờ cách làm này mà việc chăn nuôi dưới tán rừng của gia đình tôi có nhiều lợi ích. Cụ thể, đàn bò, dê tự kiếm ăn và phát triển nhanh nhờ vận động trong môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, nhờ chăn nuôi đã cung cấp nguồn phân bón đáng kể để anh phát triển vườn cây ăn quả, trồng cỏ để dự trữ nguồn thức ăn”, anh Tư chia sẻ.

Sau những hiệu quả ban đầu đạt được, anh Tư đã đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng rừng bằng cách gom đất lâm nghiệp ở các hộ xung quanh từ lợi nhuận chăn nuôi thuận lợi. Và, cũng như cách làm như trên anh lại ra sức phát dọn khoanh nuôi và bảo vệ những cây rừng tự nhiên được tái sinh, rồi trồng dặm cây lâm nghiệp và cây ăn trái. Từ đó, diện tích cây rừng tự nhiên và rừng trồng của gia đình anh không ngừng tăng lên theo hàng năm. Đến nay anh đã sở hữu với diện tích rừng lên đến khoảng 20ha.

Dẫn chúng tôi tham quan dưới tán cây rợp bóng mát, anh Tư cho biết thêm, toàn bộ khu rừng này được anh đầu tư xây dựng tường rào lưới B40 khép kín nên rất tiện cho việc chăn nuôi và bảo quản cây rừng, ngăn chặn việc chặt trộm. Điều đáng mừng khi nhiều cây rừng tự nhiên sinh trưởng và phát triển rất tốt. Có cây đạt đường kính thân từ 30 - 50cm. Nhiều người vào tham quan đều thích thú. Họ từng gạ anh bán cây rừng tự nhiên với giá từ 2 - 3 triệu/m3 gỗ nhưng anh từ chối.

Anh Tư cho biết, trước đây mỗi năm anh tốn hàng chục triệu đồng để mua cỏ và rơm làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên từ khi triển khai mô hình nông lâm kết hợp anh không còn tốn tiền tiền mua thức ăn cho bò, dê nữa. Lá rừng khô khi rụng xuống được vật nuôi tận dụng ăn hết nên không xảy ra tình trạng cháy rừng. 


Số lượt đọc: 767 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác