Phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng
09/05/2017
Sau gần 2 năm ròng rã (đầu 2012 đến cuối 2013), trải qua 4 thế hệ lai tạo, anh Hải mới chọn lọc ra được bộ giống thuần ưng ý nhất.

Là cán bộ BQL dự án Nguồn lợi ven biển và sự phát triển bền vững (CRSD) thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, thạc sĩ Trương Tiến Hải đã triển khai rất nhiều mô hình nuôi trồng thủy hải sản có hiệu quả. Đáng kể là mô hình nuôi cá lồng trên sông Mã ở phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa, mô hình nuôi cá lồng trên hồ Đồng Bể ở huyện Triệu Sơn…

Bên cạnh niềm đam mê lĩnh vực thủy hải sản, Th.S Trương Tiến Hải còn dành tình yêu đặc biệt cho những con nuôi đặc sản gắn liền với mảnh đất xứ Thanh. Thói quen này được duy trì từ khi còn giảng dạy tại ĐH Hồng Đức đến bây giờ.

“Khi còn công tác ở trường, tôi có đầu tư xây dựng trang trại để tìm hiểu, nghiên cứu về giống vịt Cổ Lũng nức tiếng đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều người cho rằng tôi rảnh việc, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", cũng may được sự động viên, hỗ trợ của gia đình nên mọi khó khăn dần qua đi”, Trương Tiến Hải nhớ lại.

Sau khi nhập con giống từ huyện Bá Thước, anh Hải tiến hành phân chia trang trại thành 10 ô chuồng, mỗi ô nuôi theo tỷ lệ 1 trồng, 5 mái. Đến giai đoạn 2, tiếp tục đảo con trống từ ô này sang ô kia, thao tác trên diễn ra 6 lần, mỗi lần kéo dài 1 tháng. Đàn vịt con nuôi lớn sau thời gian 5 tháng lại trải qua quá trình ghép đôi tương tự. Cứ thế, sau gần 2 năm ròng rã (đầu 2012 đến cuối 2013), trải qua 4 thế hệ lai tạo, anh Hải mới chọn lọc ra được bộ giống thuần ưng ý nhất.

Đến tháng 3/2016, nhận thấy thời cơ thích hợp đã đến, anh quyết định thuê đất triển khai mô hình trang trại chăn nuôi quy mô 4.000m2 tại phố Thành Bắc, phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa. Trên diện tích này, bước đầu anh tiến hành thả nuôi 200 con vịt Cổ Lũng bố mẹ, cộng thêm 7 cá thể gà Kha Thầy, 200 cá thể gà rừng và 200 con gà Đông Tảo.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Hải bộc bạch: “Mục tiêu lớn nhất của tôi là tìm hiểu và khôi phục những con vật nuôi đặc sản gắn liền với tỉnh Thanh Hóa, trong đó vịt Cổ Lũng là ưu tiên hàng đầu.

Khảo sát thời điểm năm 2013, giống vịt thuần cơ bản không còn, tỷ lệ lai tạo lúc đó chiếm đến 30%. Điều này càng thôi thúc tôi nỗ lực hơn trong quá trình nghiên cứu, rất may diễn biến tình hình ngày càng thuận lợi và mang lại hiệu quả tích cực, đến giờ tôi tự tin khẳng định đã phục hồi giống vịt quý nguyên bản như trước đây”.

Giống vịt Cổ Lũng được anh Hải chọn lọc kỹ càng hội tụ tất cả những nét đặc trưng vốn có như cổ to, ngắn, chân ngắn, thịt chắc, mùi vị thơm ngon. Quy trình từ lúc nuôi đến khi thu hoạch thành phẩm kéo dài 4 tháng, nếu dùng thức ăn công nghiệp, trọng lượng mỗi con có thể đạt đến 2,2kg, áp dụng theo phương thức truyền thống cũng đạt trên 1,8kg.


Số lượt đọc: 619 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác