Dưa chuột giá trị cao
26/11/2018

Theo cách gọi dân gian, cây dưa leo ở xã miền núi Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa gọi là cây dưa chuột.


Lá màu xanh, có lông ở hai mặt lá. Thân dây leo trên trà cắm của mỗi luống đất (vạt) bằng những cây nứa tép nhỏ như ngón tay cắm hai bên, đoạn giữa đan chéo vào nhau hình chữ X, đoạn chéo được cố định với nhau bằng thanh nứa ép nằm ngang.

Cũng giống như hoa của cây bầu, cây bí, hoa dưa chuột có màu vàng nở trên đầu quả non, khi hoa được thụ phấn thì quả mới phát triển. Quả màu xanh hoặc xanh sọc trắng, quả to dài từ 20-25cm, dưa thơm, dòn, thịt dày, ít hạt...

Cây dưa chuột được trồng vào vụ đông, từ đầu tháng 9 dương lịch đến cuối tháng 11; vụ xuân, từ tháng 1 dương lịch đến tháng 3; thời gian sinh trưởng từ khi trồng đến lúc thu hoạch xong là 90 ngày, trồng từ 40 - 45 ngày thì ra quả.

Cây dưa chuột trồng trên chân đất phù hợp (đất nhiều sét) mới cho năng suất, sản lượng cao. Đất được cày ải, rải vôi bột diệt khuẩn, lên luống cao từ 25 - 30cm, rộng từ 70 - 80cm, dài tùy theo diện tích đất; bón phân chuồng hoai mục xử lý vi sinh để diệt hết sâu bệnh.

Sau khi làm đất, bà con bổ hố (lỗ), gieo hạt, bỏ phân lấp đất mỏng và tưới nước; khi cây được 10 - 20cm thì cắm trà cho dưa leo. Tùy theo vùng, nguồn nước tưới được bơm từ chân ruộng thấp lên, và lấy nước từ các hồ đập. Nước tưới được bơm theo định kỳ từ 5 - 7 ngày/lần tùy theo thời tiết.

Cây dưa chuột không chịu được khô hạn cũng không chịu được ngập úng nên khi mặt đất trên luống dưa khô trắng thì bơm nước ngập, chờ nước ngấm đều thì tháo rút nước để tránh bị úng, hư hỏng cây. Chú ý phòng, trừ loại sâu bệnh nấm và sương mai.

Cách chọn giống và để giống: Chọn quả đầu vụ (quả thứ nhất hoặc thứ 2) loại to, dài (đánh dấu để khỏi hái nhầm) và giữ như vậy cho đến cuối vụ. Sau khi thu hoạch, quả dưa để giống được bổ đôi, chọn lấy hạt chắc phơi khô và bảo quản cẩn thận cho vụ tới...

Cây dưa chuột ở xã Hà Lĩnh được sản xuất từ nhiều năm về trước còn phân tán, manh mún chủ yếu là để tiêu dùng trong gia đình. Những năm gần đây, địa phương thực hiện quy hoạch, phát triển sản xuất trên diện tích đất nhiều sét để thâm canh tăng năng suất, tăng nhanh giá trị sản lượng dưa chuột, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Năm 2018, địa phương sản xuất cây dưa chuột trên diện tích 37ha, trong đó thôn Bái Ân 20ha, thôn Thọ Lộc 17ha. Tổ chức tập huấn cho nông dân nắm được kiến thức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất dưa chuột. Do thực hiện tốt các điều kiện, quy trình sản xuất, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh... vụ đông năm nay ước đạt năng suất cao.

Theo tính toán thực tế ở địa phương, cây dưa chuột trừ chi phí sản xuất (khoảng 50 triệu đ/ha), lợi nhuận đạt được từ 120 - 140 triệu đồng/ha; thương lái thu mua đóng gói ni lông từ 10 - 20kg/gói, với giá bán ra thị trường dao động từ 5 - 12 ngàn đồng/kg.

 


Số lượt đọc: 862 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác