Nhà nông sáng tạo
02/11/2015

Trước tình hình chi phí chăn nuôi, sản xuất tăng cao, dịch bệnh hoành hành, để bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp (NN) có lãi, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo, áp dụng các tiến bộ KH-KT để nâng cao hiệu quả sản xuất, chăn nuôi. Từ đây, đã có nhiều nông dân đoạt giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh BR-VT năm 2014-2015...

Ông Lê Văn Thời (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) cho biết, gia đình ông nuôi gần 1.000 con vịt, hơn 1.000 con gà, 100 con thỏ và 50 con heo thịt nên mỗi ngày phải tiêu tốn một lượng lớn thức ăn từ cây chuối. Bình quân mỗi ngày, ông Thời phải mất 5-6 tiếng đồng hồ để băm 100kg chuối cây. Để tiết kiệm thời gian, năm 2012, ông Thời đã mày mò sáng chế ra máy xắt cây chuối. Ông tự mua sắt về hàn khung sườn, mua mô tơ, bơ ly, ổ bạc đạn... rồi tự ông lắp ráp thành một cái máy xắt chuối cây hoàn chỉnh. Chi phí để lắp ráp một cái máy như vậy khoảng 4 triệu đồng. Chuối xắt ra vừa nhuyễn lại rất nhanh. Với chiếc máy này, chỉ mất 10 phút, ông Thời đã xắt xong 4-5 cây chuối (khoảng 100kg) để làm thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm. Sáng chế máy xắt cây chuối của ông Thời đoạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh năm 2014-2015. Hiện nay, nhiều nông dân ở khu vực lân cận như Châu Đức, Bà Rịa, Tân Thành tìm đến ông Thời để nhờ ông hướng dẫn cách làm máy xắt chuối.

 

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, vài năm trở lại đây, mô hình nuôi heo bằng phương pháp đệm lót sinh học được triển khai trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn một số hạn chế nhất định như việc đệm lót khi lên men làm phát sinh nhiệt, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của đàn heo. Do đó, ông Dương Tấn Linh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, phối hợp với ông Nguyễn Bá Phúc, cán bộ Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Xuyên Mộc thực hiện đề tài “Cải tiến kỹ thuật xây dựng chuồng trại làm giảm nhiệt khi đệm lót sinh học lên men; nâng cao năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi heo hộ gia đình bằng mô hình đệm lót sinh học để bảo vệ môi trường”. Theo đó, mô hình cải tiến này chỉ thay đổi phần thiết kế chuồng trại bằng cách ngăn chuồng, xây thêm diện tích để đổ nước làm mát cho heo, giúp hạn chế tình trạng nắng nóng ảnh hưởng đến sinh trưởng và dịch bệnh trên đàn heo. Theo ông Nguyễn Bá Phúc, sáng kiến này nhằm giúp người nuôi heo bằng đệm lót sinh học khắc phục được vấn đề phát sinh nhiệt khi đệm lót lên men; giảm ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nước thải trong chăn nuôi heo hộ gia đình, đặc biệt là các hộ chăn nuôi quy mô hộ gia đình ở khu vực đông dân và có ít đất.

 

Sáng chế “xe lu cào muối” của diêm dân Nguyễn Văn Gia (ngụ tại số 1/9A ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền) đã đoạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo KH-KT tỉnh năm 2014-2015 và được Ban tổ chức Hội thi đề xuất là 1 trong 16 giải pháp của BR-VT tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc 2014-2015. Theo ông Nguyễn Văn Gia, trong quá trình sản xuất muối, công đoạn làm mặt nền ruộng muối rất nặng nhọc, tốn kém chi phí và thời gian. Trước đây, công việc này chủ yếu làm bằng thủ công, các diêm dân thường sử dụng tay để đẩy con lăn lu nền mặt ruộng. Từ thực tế này, năm 2011, ông Gia đã nghiên cứu chế tạo ra xe lu nền ruộng muối chạy bằng máy dầu D6. Từ khi có máy lu nền, chất lượng mặt nền được cải thiện, nền do máy lu làm chặt hơn, láng, phẳng, ít tốn chi phí và thời gian. Năm 2014, trên cơ sở máy lu nền ruộng muối, ông Gia nghiên cứu và gắn thêm 3 chức năng nữa là: cào muối, tời muối vào kho và kéo sình để làm mặt bằng ruộng muối. Qua nhiều lần cải tiến, xe lu muối của ông Gia đã giảm trọng lượng từ 2,5 tạ xuống còn 1,2 tạ, nhỏ gọn, dễ vận chuyển hơn. “Nếu trước đây, với 10 tấn muối, người ta phải sử dụng 10 công để cào thì với xe lu cào muối, nay chỉ mất 5 công. Máy lu hoạt động trong 2 giờ chỉ tiêu hao khoảng 1 lít dầu, chi phí tu sửa hàng năm rất ít. Như vậy, để lu nền và cào 1ha diện tích sản xuất muối bằng máy lu tính ra chỉ mất 2-3 triệu đồng, giảm ½ chi phí so với phương pháp thủ công”, ông Gia cho biết.


Số lượt đọc: 616 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác