Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp: Tác động tích cực đời sống nông dân
20/11/2015

Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đang diễn ra, Quốc hội sẽ có nghị quyết về tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN). Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN đã được thực hiện từ năm 2003 đến nay theo Nghị quyết số 15/2003/QH11 Quốc hội khóa XI và Nghị quyết số 55/2010/QH12 Quốc hội khóa XII. Theo đó, hầu hết các đối tượng SDĐNN đều được miễn thuế, chỉ còn một số ít phải nộp thuế. Theo Bộ Tài chính, thực hiện quy định này, số thu thuế SDĐNN bình quân cả nước chỉ còn khoảng 60 tỷ đồng/năm; lũy kế từ năm 2011 đến năm 2014, tổng số thuế SDĐNN được miễn, giảm khoảng 6.917 tỷ đồng.

 

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Quyết Thắng (TP. Bà Rịa) nhận định: Những năm qua, Nhà nước thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho nông nghiệp - nông thôn và nông dân như miễn, giảm thuế SDĐNN; thủy lợi phí; cho vay vốn lãi suất thấp… đã hỗ trợ, khuyến khích nông dân, xã viên HTX đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập để  ổn định đời sống và góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

Trong chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua nghị quyết về chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN. Theo dự thảo nghị quyết, sẽ miễn thuế SDĐNN đến ngày 31-12-2020 đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp (không phân biệt phần vượt trên hạn mức giao đất, hay nhận chuyển quyền sử dụng đất như quy định hiện hành) của hộ gia đình, cá nhân là nông dân; là xã viên HTX sản xuất nông nghiệp; là nông trường viên, lâm trường viên. Việc miễn thuế SDĐNN cũng được áp dụng với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quản lý sử dụng; các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.

 

Ông Nguyễn Minh Cường, Phó Cục trưởng Cục Thuế BR-VT cho biết: Số thu thuế SDĐNN hàng năm trên địa bàn tỉnh rất ít so với các sắc thuế và khoản thu khác. Cụ thể, năm 2014, số thuế SDĐNN lập bộ là 22,629 tỷ đồng (tương đương gần 9,1 triệu kg thóc), nhưng số tiền thực hiện chính sách miễn, giảm thuế là 22,041 tỷ đồng, nên số thực thu chỉ còn 588 triệu đồng. Nếu so với tổng số thu nội địa (ngoài dầu) cả năm 2014 là 29.017 tỷ đồng, thì số thực thu thuế SDĐNN chỉ chiếm tỷ lệ 0,002%. Trong trường hợp cơ quan thẩm quyền cho phép miễn toàn bộ số thuế SDĐNN, cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu hàng năm do Cục Thuế thực hiện. Nhưng người SDĐNN nhiều nhất là nông dân sẽ phấn khởi hơn trong lao động sản xuất!

 

Nếu chính sách miễn toàn bộ thuế SDĐNN được Quốc hội Khóa XIII thông qua như dự thảo trên, sẽ khuyến khích nhiều hơn nữa đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Chính sách này cũng được xem là một giải pháp góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020, mà trước đó ngày 12-11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã biểu quyết thông qua với các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% - 1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo Quốc gia.


Số lượt đọc: 777 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác