Bình đẳng - chìa khóa xóa bỏ bạo lực giới
09/11/2020

Bà mẹ trẻ vừa ra khỏi phòng khám sản khoa, một tay dắt theo bé gái tầm 2 tuổi, một tay gạt nước mắt. Bà mẹ trẻ ấy đi như chạy, đằng sau là ông bố trẻ, tất tả đuổi theo. 

Bà mẹ trẻ đang mang thai tháng thứ tư, lại là một cô con gái, bà mẹ trẻ ấy bị buộc phải bỏ đi đứa con còn chưa cất tiếng khóc chào đời theo tâm nguyện của nhà chồng, chỉ muốn chị sinh con trai để “nối dõi tông đường”…

Bác sĩ sau khi thăm khám, lần thứ ba trong suốt quá trình chị mang thai, đã tư vấn rằng: Vậy chị có nỡ lòng bỏ đi đứa con 2 tuổi mà chị đang dắt theo hay không… Đứa trẻ mà chị chưa sinh ra đã có hình hài và cũng là con của chị theo đúng nghĩa. Và dù trai hay gái thì cũng là một sinh mạng đáng phải được trân trọng!

Vì những câu nói ấy, khiến chị bật khóc và lao ra khỏi phòng khám. 

Trường hợp trên không hiếm gặp ở nhiều phòng khám thai, khi mà các cặp vợ chồng vì nhiều lý do khác nhau, tìm cách lựa chọn giới tính thai nhi, với xu hướng “trọng nam khinh nữ”. Thực tế cho thấy, nữ giới không chỉ bị phân biệt, đối xử ngay khi còn là bào thai mà trong suốt quá trình trưởng thành, ở nhiều lĩnh vực, khía cạnh của cuộc sống vẫn còn bị đối xử thiếu công bằng. Cho dù, trong những năm gần đây, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đã tìm nhiều giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới. 

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (tương đương 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). 

Thông điệp “Bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” được duy trì và cũng là một trong những định hướng đối với công tác truyền thông về phòng, chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em trong suốt 4 năm qua. Bởi, theo nhận định từ Bộ LĐTBXH, chỉ khi không còn phân biệt giới thì bạo lực giới mới được xóa bỏ. Đó cũng chính là chìa khóa để trẻ em gái, phụ nữ được phát huy quyền của mình ở mọi khía cạnh trong đời sống. 

Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, quan trọng hơn, bản thân phụ nữ và trẻ em gái phải chủ động trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn nạn bạo lực, xâm hại xảy đến với cá nhân mình. 

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm) trên phạm vi toàn quốc theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 2/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 là một điểm nhấn quan trọng. 

Qua 4 lần triển khai (từ năm 2016) cho thấy, Tháng hành động đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành động của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới. Nhiều vụ bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được các phương tiện thông tin đại chúng và người dân phản ánh. Nhiều phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực đã dũng cảm lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực. Nhiều thủ phạm gây bạo lực đã bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm, thể hiện tính răn đe của pháp luật. Các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới đã được thành lập và từng bước phát triển…

Tháng hành động năm nay cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên đợt cao điểm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên toàn quốc nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội về thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. 

Tuy nhiên, muốn xóa bỏ bất bình đẳng giới, rất cần duy trì thường xuyên, liên tục các hoạt động để thay đổi những quan niệm truyền thống, những định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới.


Số lượt đọc: 640 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác