Hải Dương: Thu tiền tỷ từ các lồng nuôi cá đặc sản
18/11/2019
Ông Nguyễn Trung Tựu bên những lồng cá của gia đình
Sinh ra và lớn lên ở tại thôn Quảng Tân, xã Nam Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương), tháng 5/1971, thanh niên Nguyễn Trung Tựu nhập ngũ vào chiến trường B tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1982, Nguyễn Trung Tựu xuất ngũ về công tác ở xã, trúng cử vào vị trí Chủ tịch xã Nam Tân. Gần 30 năm làm công tác lãnh đạo nhưng cựu chiến binh Nguyễn Trung Tựu vẫn nung nấu một ước mơ làm giàu từ nguồn lợi sông nước trên chính mảnh đất quê hương mình.

Năm 2010, sau khi nghỉ hưu, ông Tựu cùng một số hộ trong xã tìm hiểu học tập mô hình nuôi cá lồng tại Đồng bằng Sông Cửu Long rồi quyết định đầu tư vốn để nuôi cá lồng với quy mô lớn tại sông Kinh Thày. Mặt khác, ông còn tham khảo thêm những kiến thức trên mạng internet, sách, truy xét bản đồ vệ tinh để học hỏi kiểu lồng nào phù hợp với điều kiện sông nước địa phương. Ban đầu, ông chủ yếu làm lồng với kích thước 6x9x3m hoặc 6x6x3m; toàn bộ khung lồng được làm bằng ống tuýp sắt mạ kẽm chống rỉ, liên kết với các thùng phuy lớn rất chắc chắn chịu được lực ép, lực đẩy và lực nén; chi phí làm mỗi lồng cá 25 triệu đồng, tính thêm chi phí cải tạo đường đi, cầu, nhà bè, mỗi lồng bè phải “gánh” 40 triệu đồng. Năng lực nuôi của mỗi lồng từ 5 tấn đối với cá chép và cá trắm, 7 tấn đối với cá lăng. Các lồng bè được cố định bởi những khối bê tông sâu 3 – 4 m dưới lòng sông. Trước đây nguồn nước sông Kinh Thày rất sạch, không bị ô nhiễm, rất thuận tiện cho việc nuôi cá lồng, cá nhanh lớn, không bị dịch bệnh.  Ông Tựu cho biết: “ Năm 2014 ông nuôi 35 lồng, chủ yếu cá lăng và cá điêu hồng. Giống cá phần lớn được nhập từ đảo Hải Nam, giống cá khỏe, ít bệnh. Mật độ cá thả 2.500 con/lồng, tỷ lệ chết dưới 10%, cuối năm ông thu được 190 - 200 tấn cá, giá bán dao động từ 70.000 – 120.000 đồng/kg tùy loại cá, trừ chi phí con giống, thức ăn, nhân công, tiền lãi ngân hàng, khấu hao tài sản cố định, mỗi lồng cá cho thu lãi từ 40 – 45 triệu đồng, tổng cộng ông thu lãi 1,2 đến 1,4 tỷ đồng”.

Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao do thiên tai khi vào mùa bão lũ. Ngày 3/8/2015 đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử nuôi cá lồng huyện Nam Sách. Mưa kéo dài nhiều ngày, nước lũ lên nhanh, bên cạnh đó nạn hút cát lòng sông tràn lan khiến cho những khối cọc bê tông dưới đáy sông bị cuốn trôi, 2/3 lồng cá trên sông Kinh Thày bị mất trắng. Ông Tựu cũng là một trong những hộ thiệt hại nặng nề nhất, mất trắng 39 lồng cá đang đến kì xuất bán, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhưng với bản lĩnh đanh thép của người lính, ông vẫn giữ vững được lập trường, vững vàng chèo chống gia đình vượt qua muôn vàn khó khăn, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của anh em, bạn bè và chính sách giãn nợ của Ngân hàng Nông nghiệp, ông đã dần dần khôi phục lại được hệ thống lồng bè để tiếp tục sản xuất. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2016, một trận sét đánh làm cho cá lồng của ông chết một lượng đáng kể. Sau những biến cố đó, ông đã rút ra những kinh nghiệm xương máu trong kỹ thuật làm lồng cá, ông dùng các neo để cố định các lồng nuôi thay cho nhồi cọc bê tông như trước, bên cạnh các lồng cá ông xây dựng các hệ thống chống sét rất hiện đại.

Nhận thấy, để đầu ra cho cá lồng được ổn định thì cần nâng cao được chất lượng sản phẩm nên ông đã tìm hiểu và đầu tư nuôi cá trắm và cá chép giòn theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm đầu tiên ông nuôi cá thịt, sang năm thứ 2 thì cho cá ăn đậu tằm từ 6 - 8 tháng để trở thành cá đặc sản trắm giòn và chép giòn. Bên cạnh đó ông không sử dụng bất cứ một loại thuốc kháng sinh nào cho cá. Năm 2018, ông có hơn 100 lồng cá, trong đó 45% cá thịt, 55% cá đặc sản. Mỗi năm gia đình ông thu được từ 550 – 600 tấn cá đặc sản, với giá 120.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lãi hàng chục tỷ đồng. Theo nhiều khách hàng thường mua cá nhà ông Tựu cho biết, cá trắm giòn và cá chép giòn nhà ông Tựu ngon hơn và bán được giá hơn so với những địa phương khác. Tháng 6/2018, ông đăng ký thương hiệu “cá trắm giòn và cá chép giòn Nguyễn Trung Tựu”, mỗi sản phẩm ông cho đăng kí có truy xuất nguồn gốc, chíp được gắn ở vây cá. Thương hiệu cá trắm giòn và cá chép giòn của ông cung cấp trên 100 đại lý bán buôn và bán lẻ toàn quốc, chủ yếu các đầu mối chợ Yến Sở, chợ Long Biên, chợ Bắc Ninh, Bắc Giang, xuất theo đường máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù công việc nhà nông rất bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá trắm giòn, cá chép giòn cho rất nhiều nông dân trên cả nước; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 06 lao động tại địa phương. Nhiều đoàn nước ngoài cũng đến tham quan, học tập. Gia đình ông nhiều năm liền đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Năm 2015, ông được trao tặng giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ 11. Năm 2016, 2018, ông đạt danh hiệu Tốp 100 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam với sản phẩm “cá trắm giòn, cá chép giòn”. Năm 2017, cơ sở sản xuất của ông được Hội Nghề cá Việt Nam chứng nhận danh hiệu “Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam lần thứ 4 - 2017”. Năm 2018, gia đình ông vinh dự được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại Hội nghị “Biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi”. Đó cũng chính là thành quả cho những cố gắng không mệt mỏi của gia đình ông Nguyễn Trung Tựu.

Nguyễn Thị Tuyền - Trung tâm Khuyến nông Hải Dương

 


Số lượt đọc: 653 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác