Những ngày đầu tháng 7, khi bà con đang rộn ràng thu hoạch lúa Hè Thu cũng là lúc xưởng cơ khí của anh em ông Đặng Hoàng Dũng ở ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng (Châu Thành- An Giang) bận rộn hơn bao giờ hết. Ở sân trước của xưởng là những chiếc máy gặt đập liên hợp Trung Quốc đậu chật kín. Ngồi trò chuyện với chúng tôi mà điện thoại di động của ông Dũng cứ reo liên tục. Ông cho biết: “Từ sáng tới giờ, có tới chục cuộc điện thoại của nông dân đặt mua máy kéo lúa. Điểm mạnh của loại máy này là chạy bằng dây xích nên rất êm, có thể đi trên những mảnh ruộng lún mà không sợ lầy, do vậy bà con rất chuộng, đặt hàng tới tấp”.
Ông Dũng tặc lưỡi cho biết thêm: “Đúng là đồ Trung Quốc, giá rẻ mà không bền. Hồi đó, ai ham mua máy gặt đập liên hợp Trung Quốc thì bây giờ hối hận không kịp. Lúc đó, mỗi máy có giá 180-220 triệu đồng, những tưởng đem về làm ăn ngon lành, nào ngờ khi chạy máy quá nặng, xuống ruộng là lún, chạy vài bữa là hư tới hư lui, lúa suốt ra bị “sống”, rơm vào máy bị kẹt, lại thêm đồ phụ tùng tốn kém nên ai cũng ngán. Tệ hại nhất là vụ Hè Thu gặp thời tiết mưa bão mà máy cứ bị hư hoài, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa. Bây giờ nhiều nông dân sợ, chẳng dám thuê máy Trung Quốc gặt trên đám ruộng của mình nữa, còn những người lỡ sắm máy Trung Quốc thì đành ngậm đắng để máy ở nhà, trong khi vốn liếng bỏ ra chưa lấy lại được”.
Ông Dũng là người mê nghề cơ khí từ nhỏ. Hễ ai có máy cày, máy xới, máy tuốt lúa bị hư, đem đến cho ông sửa là lại chạy êm ru. Năm trước, một nông dân ở Kiên Giang đem máy gặt đập liên hợp Trung Quốc cũ đến đặt ông Dũng cải tiến lại thành máy kéo lúa. Từ sản phẩm đầu tay đó, xưởng của ông ngày càng có nhiều người đem máy bị hư đến thuê ông cải tiến thành máy kéo lúa. Ngoài ra, ông Dũng còn tìm mua máy gặt đập cũ về “mông má” lại thành máy kéo để bán cho bà con có nhu cầu.
“Với những chiếc máy gặt đập liên hợp Trung Quốc cồng kềnh, khi đem về, tôi “lột” bỏ dàn lông nhưng vẫn giữ nguyên phần máy, hộp số, dây xích, sau đó hàn lại chiếc thùng phía sau dùng để chở lúa. Khi máy hoàn thiện, có giá 50 triệu đồng. Bình quân mỗi năm, xưởng của tôi vừa tiêu thụ, vừa làm gia công khoảng 100 chiếc máy gặt đập liên hợp Trung Quốc”- ông Dũng nói.
- Trồng cây dược liệu trên vùng đất cấy lúa kém hiệu quả (10/08/2020)
- Thu nhập tiền triệu mỗi ngày từ trồng măng tây (04/08/2020)
- Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng nha đam (13/07/2020)
- Gương thanh niên khởi nghiệp và làm kinh tế giỏi (12/07/2020)
- Vươn lên từ trang trại (08/07/2020)
- Người bắt mảnh đất cằn cỗi nảy mầm xanh (26/06/2020)
- Trồng nấm thu lãi 150 triệu đồng /năm (26/11/2019)
- Mô hình sản xuất kết hợp cho giá trị kinh tế cao (26/11/2019)
- An Giang: Mạnh dạn chuyển đổi sang trồng chanh giấy cho thu nhập cao (26/11/2019)
- Bí quyết của nông dân nuôi lợn lãi tiền tỷ trong bão dịch tả Châu Phi (18/11/2019)