Bí quyết của nông dân nuôi lợn lãi tiền tỷ trong bão dịch tả Châu Phi
18/11/2019
Trong khi nhiều người tay trắng, thua lỗ phải treo chuồng vì dịch tả heo (lợn) Châu Phi, song bằng suy nghĩ và cách làm khác biệt thì trang trại với quy mô 50 heo nái, 1000 heo thịt/năm của gia đình anh Phùng Văn Bảo ngụ tại Tổ 5, Khu phố Phú An, phường An Lộc, thị xã Bình Long, Bình Phước hiện vẫn an toàn và cho lãi khoảng gần 300 triệu đồng/ tháng.

Gắn với nghề nuôi heo gần 20 năm, song dịch bệnh thường hay xảy ra, giá cả bấp bênh không ổn định, nhiều lần anh Phùng Văn Bảo cũng bị thua lỗ. Do vậy anh quyết định kiêm thêm nghề lái heo (buôn bán heo thịt) để tăng thu nhập nhưng cuộc sống của gia đình cũng chỉ ở mức tạm đủ. Rồi một ngày của năm 2014, anh quyết định thay đổi cả suy nghĩ, cách làm và kết quả hoàn toàn bất ngờ.

Nhận thức sâu sắc về hệ luỵ của thực phẩm bẩn, mất vệ sinh đến sức khỏe người tiêu dùng

Anh Bảo chia sẻ, trải qua nhiều năm nuôi heo và làm nghề buôn bán heo thịt nhưng cuộc sống cũng chỉ quẩn quanh 2 chữ tạm đủ. Anh nhận thấy nuôi heo theo cách truyền thống, nhỏ lẻ với vài chục heo thịt, chạy theo giá thị trường thì lời lãi không đáng là bao. Mặt khác, những mặt trái của nghề lái heo cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng bởi thịt heo, sản phẩm của thịt heo là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của đa số người tiêu dùng.

Từ nhận thức sâu sắc về hệ luỵ của thực phẩm bẩn anh đi đến một quyết định lớn trong cuộc đời, đó là bỏ nghề buôn bán heo, tập trung mở rộng chăn nuôi, nâng quy mô lên 50 nái, 1000 heo thịt/năm.

 Bằng nguồn vốn tích lũy cộng thêm vay mượn, anh đầu tư một cách đồng bộ, đạt chuẩn yêu cầu kỹ thuật từ chuồng trại (chuồng sàn cho heo đẻ, chuồng úm heo con, chuồng lồng cho heo hậu bị, chuồng heo thịt thương phẩm); con giống chuẩn của CP; hệ thống cho ăn, uống tự động; tủ thuốc thú y và bảo quản vắc-xin; hệ thống bioga xử lý chất thải; hệ thống cung cấp nước, kho chứa thức ăn, nhà ở cho công nhân...

Sau khi xây dựng và chăn nuôi đi vào ổn định có lãi, thì năm 2016 – 2017 giá heo bắt đầu giảm sâu. Mặc dù bị thua lỗ nhưng anh nghĩ mới đầu tư, mở rộng nếu dừng lại là chết, gánh nợ không biết bao giờ trả được. Không còn đường lui, anh tìm mọi cách để cầm cự cố giữ lấy tổng đàn nái. Một mặt anh đầu tư  máy móc, mua nguyên liệu về xay, tự trộn thức ăn theo công thức, giúp hạ giá thành mà vẫn đảm bảo chất lượng (cám trộn chỉ dành cho heo sau cai sữa đến xuất chuồng). Mặt khác anh tham gia vào Hợp tác xã chăn nuôi heo An Phát (phường Hưng Chiến) để được trao đổi, chia sẻ về kỹ thuật, hưởng lợi về giá cả đầu vào (do HTX ký hợp đồng mua cám, thuốc thú y, vắc-xin tập trung).

Cùng năm 2017 được sự tư vấn, hỗ trợ của Trạm Khuyến nông thị xã Bình Long anh bổ sung thêm men sinh học, vitamin, chế phẩm Probiotic vào thức ăn cho heo trong suốt thời kỳ sinh trưởng. Mỗi con tiêu tốn thêm khoảng 150.000 đồng nữa. Đồng thời anh mượn địa điểm của em trai, mạnh dạn xây dựng cửa hàng “Cung ứng thịt heo an toàn sinh học từ trang trại đến người tiêu dùng” để tiêu thụ chính heo thịt của mình nuôi và minh chứng cho kết quả bổ sung men sinh học, Probiotic. Việc làm này của anh bị mọi người cho là “điên rồ, thừa tiền” vì lúc đó giá heo giảm sâu, nhiều người đã treo chuồng, nhưng anh không để tâm và quyết định không thay đổi cách làm.

Sau 4 tháng sử dụng chế phẩm, kết quả cho thấy heo khoẻ mạnh hồng hào, ít bị bệnh, ăn ngủ tốt, mẫu mã đẹp, mùi hôi chuồng trại giảm đáng kể. Thịt heo thơm ngon, ngọt, dòn, khi nấu ít ra nước, nước luộc thịt trong, rất ít bọt (kết quả do người tiêu dùng đánh giá trong cuộc hội thảo do Tạm Khuyến nông thị xã Bình Long tổ chức). Thông qua bán trực tiếp tại cửa hàng (không qua khâu thương lái trung gian) nên mỗi con heo, anh còn lãi thêm 500.000 đồng/con ngoài tiền lãi từ chăn nuôi.

Do kiểm soát chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăn nuôi (nhất là chất cấm, hóc-môn tăng trưởng, dư lượng kháng sinh), chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn VietGAHP, an toàn dịch bệnh, cửa hàng cam kết đảm bảo uy tín, chất lượng; vì sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng, giá bán không cao hơn giá thị trường, truy xuất nguồn gốc nên thịt heo của anh đã nhanh chóng được người tiêu dùng tin tưởng,  lượng khách hàng ngày càng tăng, một số công ty, siêu thị, trường mầm non cũng ký hợp đồng thu mua ổn định. Giữa năm 2018 trở đi giá heo thịt ổn định ở mức cao, nghề nuôi heo và cửa hàng đã khẳng định được chỗ đứng, canh tranh được với thị trường bán lẻ. Cuối năm 2018, cùng với hợp tác xã, trang trại của anh được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAHP, an toàn dịch bệnh.  

Vợ, chồng, con cái cũng phải “cách ly”...

Đang “thưởng thức và tạm bằng lòng” với thành quả đạt được thì bão dịch tả heo Châu phi lại ập đến. Anh như ngồi trên đống lửa, song nhờ bản lĩnh, kinh nghiệm đã được tôi luyện từ những khó khăn, thử thách trước đây nên anh bình tĩnh hàng ngày cập nhật thông tin, kiến thức để đưa ra biện pháp phòng chống đồng bộ hiệu quả nhất.

Trước tiên anh mua lưới che kín hết xung quanh trại để ngăn côn trùng, vật trung gian truyền bệnh, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn heo, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, mua thêm loại men sinh học cao cấp nhập khẩu từ Mỹ với giá 1 triệu đồng/kg để tăng sức đề kháng cho heo. Sau đó kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn thức ăn, nước uống, nguyên liệu đầu vào, cách ly tất cả dụng cụ, con người, phương tiện… ra vào trại.

Anh Bảo dí dỏm kể: “Lúc này heo là số 1. Vì sức khoẻ đàn heo mấy tháng nay vợ, chồng, con cái anh cũng bị “cách ly”. Vợ có trách nhiệm “ôm” đàn heo; chồng bán hàng và chăm sóc 03 đứa con. Vợ chồng, con cái chỉ nói chuyện với nhau qua điện thoại”.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, hàng ngày gia đình anh tiến hành sát trùng, rải vôi đúng kỹ thuật, liều lượng ở tất cả các lối đi, nhà kho, xe vận chuyển heo, cám; vệ sinh, khử trùng sạch sẽ các dụng cụ… Tóm lại, phòng chống, cách ly bằng mọi cách có thể.

Kết quả không phụ lòng người

Với việc chủ động, quyết liệt trong việc phòng chống nên đến nay đàn heo của anh vẫn an toàn, mặc dù xung quanh trại và các xã phường trên toàn thị xã Bình Long đã bị dịch tả heo Châu Phi từ tháng 7/2019.

Hiện nhu cầu thịt heo tăng cao, cung không đủ cầu, với giá heo thịt 60.000 đồng/kg anh có lãi trung bình 3,5 triệu đồng/con heo 100kg. Mỗi tháng gia đình anh xuất chuồng khoảng 80-100 heo thịt, thu về gần 300 triệu đồng. Những tháng cuối năm dự báo lượng heo thịt sẽ khan hiếm song anh cũng không tăng đàn vì quy mô chuồng trại và con giống đã cố định, chỉ tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng để phòng chống dịch, cố gắng bảo vệ đàn heo.

Đây là mô hình đầu tiên, cũng là duy nhất tại Bình Phước nói chung và Bình Long nói riêng thực hiện được chuỗi khép kín từ sản xuất và cung ứng đến tận tay người tiêu dùng. Không qua bất cứ khâu trung gian nào nên phần lợi nhuận của thương lái được chia đều cho người chăn nuôi và người thụ hưởng, giúp người đi chợ phân biệt được thịt heo an toàn với thịt heo bán ở các phản thịt của chợ truyền thống. Chuỗi sản xuất khép kín này giúp người chăn nuôi, người tiêu dùng thay đổi thói quen, tập quán sản xuất và sử dụng sản phẩm, đồng thời là tiền đề để xây dựng chuỗi liên kết các thực phẩm khác trên địa bàn thị xã Bình Long, là mô hình điểm để mọi người học tập và nhân rộng, giúp nghề nuôi heo tiếp tục ổn định và phát triển.

Nguyễn Thị Hạnh - Trung tâm DVNN thị xã Bình Long, Bình Phước


Số lượt đọc: 719 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác