Sáng 20/11, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi (Bộ luật) với 435 đại biểu tán thành (tỷ lệ 90%); 9 người không tán thành (1,86%) và 9 người không biểu quyết.
Về tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, Bộ luật vừa được thông qua điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam (vào năm 2028) và đủ 60 tuổi đối với nữ (vào năm 2035).
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ.
Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.... có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn. Lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được nghỉ hưu muộn hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định.
Về nghỉ lễ, tết, ngoài 10 ngày nghỉ theo quy định hiện hành, Bộ luật bổ sung thêm một ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh. Chính phủ sẽ lựa chọn ngày nghỉ vào 1/9 hoặc 3/9 tuỳ theo lịch từng năm. Quy định này được 452 đại biểu tán thành (93,58%).
Về giờ làm việc bình thường, Bộ luật Lao động 2019 vẫn giữ quy định hiện hành là không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì giờ làm việc không quá 10 giờ trong mỗi ngày và không quá 48 giờ mỗi tuần. Ban đêm, giờ làm việc được tính từ 22h đến 6h sáng hôm sau.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
Về làm thêm giờ, Bộ luật quy định doanh nghiệp chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý. Số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường mỗi ngày. Nếu doanh nghiệp tính giờ làm việc theo tuần, tổng số giờ làm việc và làm thêm không quá 12 giờ mỗi ngày; không quá 40 giờ mỗi tháng.
Bộ luật cũng nêu rõ, doanh nghiệp đảm bảo giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ mỗi năm.
Các ngành, nghề được làm thêm đến 300 giờ mỗi năm gồm: sản xuất dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; công việc đòi hỏi lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường không cung ứng đầy đủ; giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn vì có tính thời vụ; thiên tai, hoả hoạn, thiếu điện, sự cố dây chuyền sản xuất.
Với các trường hợp làm thêm đến 300 giờ, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh.
Quy định về làm thêm giờ được 433 đại biểu tán thành (89,65%); 14 người không tán thành (2,9%); 7 người không biểu quyết (1,45%).
Như vậy, Quốc hội đã quyết định không tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ mỗi năm như đề xuất trước đó của Ban soạn thảo.
Người lao động làm việc theo ca được nghỉ 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác. Đồng thời, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.
Hoàng Thùy - Viết Tuân
- Bạo lực gia đình và một số giải pháp phòng tránh (22/01/2021)
- Bạo lực gia đình và một số giải pháp phòng tránh bạo lực gia đình (06/01/2021)
- Bài tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình (06/01/2021)
- Người trồng mai hy vọng vụ Tết bội thu (28/12/2020)
- Xây dựng kho, nhà xưởng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp được hỗ trợ tới 5 tỷ đồng (28/12/2020)
- ÔNG MAI TRUNG HƯNG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG Hoàn thiện cơ sở quản lý xây dựng đáp ứng các quy định mới (28/12/2020)
- Nông dân hào hứng với việc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh Sumitri (06/10/2020)
- Lợi ích kép khi đào tạo nghề theo nhu cầu (20/08/2020)
- Khám chữa bệnh trong mùa dịch COVID-19 sao cho an toàn? (19/08/2020)
- Nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy online như thế nào? (17/08/2020)