An Giang: Mạnh dạn chuyển đổi sang trồng chanh giấy cho thu nhập cao
26/11/2019
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều nông dân ở xã biên giới Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Trong đó, có những thanh niên dám nghĩ dám làm, tìm tòi học hỏi những mô hình hay đem về phát triển kinh tế địa phương, điển hình là mô hình trồng chanh giấy của thanh niên Trương Văn Sĩ, sinh năm 1983, ngụ ấp Phú Quý, xã Phú Lộc đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nông nghiệp đã gắn bó với anh Sĩ từ nhỏ, ước mơ làm giàu từ nông nghiệp đã thôi thúc anh quyết định tìm hướng phát triển kinh tế trên chính mảnh đất của gia đình. Khi học xong trung học phổ thông, thay vì thi vào các trường cao đẳng, đại học, anh lại chọn cho mình con đường nông nghiệp. Với 8 công đất của gia đình lúc đầu, anh canh tác cây lúa nhưng thấy không hiệu quả, anh chuyển sang trồng hoa màu như bắp (ngô), ớt, đậu… Sau nhiều vụ canh tác bị sâu bệnh nhiều, giá cả bấp bênh, không đem lại lợi nhuận, anh Trương Văn Sĩ bắt đầu tìm hướng đi khác theo định hướng thị trường. Tìm hiểu trên báo đài và thông qua các buổi hội thảo ngành khuyến nông về mô hình trồng cây ăn trái, đặc biệt có cây chanh giấy, năm 2015, anh cùng người anh của mình đến tận tỉnh Long An để tham quan mô hình, tìm hiểu cây giống. Thấy có nhiều “cái hay” từ mô hình mới, mang lại lợi nhuận cao, phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, thế là từ đây anh Sĩ đã quyết định “đổi đời” cho mình từ cây chanh. Với số vốn ít ỏi, anh mua thử nghiệm 100 cây giống về trồng. Nhận thấy cây chanh giấy cho năng suất và hiệu quả, anh tiếp tục nhân giống ra trồng hết phần đất còn lại. Hiện vườn của anh có trên 500 gốc chanh giấy được trồng trên 8 công đất.

Theo anh Sĩ, chanh giấy là cây dễ trồng, lớn nhanh và cho trái to, nhiều nước, năng suất mang lại cao, tuổi thọ lâu, đặc biệt là không kén đất và có thể cho trái quanh năm, mỗi đợt thu hoạch cách nhau khoảng vài ngày nên đảm bảo được nguồn thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, cây chanh giấy là loại cây trồng có sức đề kháng tốt, ít sâu bệnh. Để đảm bảo năng suất, chất lượng, nông dân cần thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện và phun thuốc diệt trừ sâu. Đặc biệt, vào mùa mưa, cây chanh hay bị bệnh ghẻ trái, vàng lá..., cần định kỳ phun thuốc ngừa nấm và vi khuẩn, đồng thời thường xuyên cắt tỉa cành để tạo tán cho cây.

Nhờ thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cộng với sự chăm sóc cần mẫn của anh Sĩ nên chỉ sau 8-10 tháng trồng, cây chanh đã cho vụ hoa đầu tiên. Tuy nhiên, thân cây còn nhỏ nên anh quyết định để cây đến 1 năm tuổi mới nuôi trái. Hiện, năng suất chanh của vườn nhà anh Sĩ đạt khoảng 4-5 tấn/công.Vào mùa thuận, giá chanh giấy dao động khoảng 7.000 – 15.000 đồng/kg. Nhưng vào mùa nghịch, giá chanh rất cao, từ 20.000 - 35.000 đồng/kg. Hiện tại, vườn chanh nhà anh được thương lái đến tận vườn mua với giá 11.000 đồng/kg. Tính ra, trừ hết mọi chi phí, anh thu lời khoảng 20 triệu/tháng từ diện tích trồng chanh.

Anh Trương Văn Sĩ bên vườn chanh giấy của gia đình

Là một người năng động và say mê nông nghiệp, với vốn kinh nghiệm của mình, anh Sĩ còn tìm tòi học hỏi thêm kỹ thuật chiết cành tạo cây giống từ vườn chanh của mình, vừa nhân giống cho vườn nhà, đồng thời anh còn cung cấp giống cho nông dân trong và ngoài địa phương từ 3.000 – 10.000 cây/năm. Bên cạnh đó, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các thanh niên khác trong xã có ý chí, quyết tâm lập nghiệp, phát triển kinh tế trên chính quê hương mình.

Đánh giá về hiệu quả bước đầu của mô hình trồng chanh giấy của anh Trương Văn Sĩ, ông Lê Văn Dũng – Phó chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết: Với  8 công đất qua nhiều năm sản xuất lúa không mang lại hiệu quả, nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây tranh, đến nay cây đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Mô hình làm ăn của anh Sĩ đáng được học tập và nhân rộng.

Ở tuổi 36, không ngại khó khăn, anh Trương Văn Sĩ bước đầu đã gặt hái được những kết quả khả quan từ mô hình phát triển kinh tế của mình. Khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ trong chuyển đổi cây trồng phù hợp, nâng cao thu nhập và góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp bền vững của địa phương.

Lê Kiều - Đài Truyền thanh Tân Châu – tỉnh An Giang


Số lượt đọc: 784 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác