Thử sức với công việc kế toán và nhiều vị trí nhân viên văn phòng khác nhau, nhưng cô gái sinh năm 1991 Chu Thị Thủy luôn canh cánh nỗi lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. “Mỗi lần đi chợ cảm giác không yên tâm, lại nơp nớp lo sợ khiến cho bữa cơm gia đình nhiều lần mất ngon”, Thủy chia sẻ.
Tình cờ, năm 2017, như một cơ duyên, Thủy được thưởng thức món nấm sò tươi ngon, khác hẳn với nhũng lần ăn nấm ngoài chợ. Tò mò, cô gái quê Sóc Sơn vào youtube và tìm hiểu, càng xem càng thấy say mê. Hóa ra nấm lại tốt thế, lại nhiều dinh dưỡng như vậy, vừa có chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau, lại có đạm và các axitamin như thịt, mà đạm của nấm lại là đạm thực vật, rất dễ tiêu hóa, chứ không hề gây ra các tình trạng béo phì hay mỡ máu.
Nấm tốt vậy mà vẫn còn ít người biết. Tại thời điểm đó, khoảng 80% nấm trên thị trường lại là nấm nhập từ Trung Quốc. Trong khi nguồn nguyên liệu chính để trồng nấm thì lại đang bị lãng phí trên chính mảnh đất quê hương. Một ý tưởng nảy lên trong đầu Chu Thị Thủy lúc ấy, là sao mình không trồng nấm, từ những nguyên liệu có sẵn như vậy cho bà con dân mình ăn, không cần phải ăn nấm Tàu nữa, đồng thời công khai minh bạch quy trình nuôi trồng, giúp nhiều người yên tâm trong bữa cơm gia đình.
Tháng 2/2017, Chu Thị Thủy xin nghỉ việc và đăng ký một khóa học trồng nấm tại Trung tâm Nấm, Viện di truyền Nông nghiệp Việt Nam. Tại đây, Thủy có dịp được học và hiểu sâu hơn về một số loại nấm ăn và nấm dược liệu cơ bản.
Khi bắt tay vào thực hành, đồng thời đi thăm một vài trang trại thực tế, cô gái 9x quyết định chọn cách đi riêng của mình. Thay vì chọn nguyên liệu bông để trồng nấm như nhiều người vẫn sử dụng vì dễ làm, cho năng suất cao, thời gian nuôi trồng ngắn, quay vòng vốn nhanh, Thủy chọn chỉ trồng nấm trên 2 nguyên liệu chính là rơm và mùn cưa, bổ sung thêm cám ngô, cám gạo.
Cô giải thích: Đây là những nguyên liệu thân quen với người dân, có thể hiểu rõ là truy xuất được nguồn gốc rõ ràng, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có. Đồng thời, chọn rơm, mùn cưa còn góp phần bảo vệ môi trường, giúp lượng rơm rạ bị đốt trên đồng ruộng bớt đi. Quy trình ủ rơm không tạo ra mùi hôi, thối và nước thải bẩn ra môi trường như làm trên bông.
Thay vì nhập sẵn bịch từ nơi khác về nuôi trồng, Thủy quyết định làm từ những công đoạn đầu tiên từ ủ nguyên liệu đến cấy giống nấm, chuyển bịch vào nhà ươm tơ, rồi chuyển ra nhà nuôi trồng, chăm sóc cho ra nấm.
Chu Thị Thủy nhớ lại: “Hào hứng với lứa nấm đầu tiên, nhưng do thiếu kinh nghiệm trong việc đốt và xây dựng lò hấp bịch, nên mẻ đầu tiên nguyên liệu sống, 40% số bịch bị chết. Rồi mẻ thứ 2, thứ 3 cũng không khá hơn. Xót ruột, cũng không biết nguyên nhân tại sao, tôi lại hì hục cùng người nhà đem những bịch đó đập bỏ ra ruộng lúa làm phân, rồi làm mẻ khác.
Tiếp tục mẻ thứ 4, thứ 5 rồi thứ n… càng làm càng nhiều khó khăn ập đến, khi thì bị mốc xanh, mốc đen, khi thì bị chết giống, chết tơ, khi thì bị ruồi giấm phá.
Mỗi lần bị như vậy, tôi lại lên mạng tìm hiểu, hỏi các anh chị trong nghề. Người chỉ cho cách này, cách kia, có cách dùng thuốc phun trị ruồi, trị nấm mốc. Nhưng với bản tính cứng đầu, tôi nghĩ mình từ bỏ công việc, bỏ xó tấm bằng đại học, mình về làm nông dân, muốn tạo ra một sản phẩm sạch thực sự. Nên tôi và gia đình lại tìm cách cải thiện dần bằng các biện pháp thủ công.
Kết thúc năm đầu tiên, tôi bị thua lỗ. Năm thứ 2, tôi đã tìm ra phương pháp nuôi trồng hợp với định hướng của bản thân, cải thiện hơn. Tôi hòa vốn và bắt đầu có lãi. Chấp nhận một sản lượng thấp hơn, với chi phí nhân công cao hơn. Bù lại sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận rất tốt, giá thành cũng cao hơn so với sản phẩm nấm cùng loại”.
Nhìn lại chặng đường đi qua, từ 2 bàn tay trắng, với 40 triệu đồng vay tín chấp bằng lương, đã cho ra thị trường được những sản phẩm nấm chất lượng, đó là cả một sự cố gắng. Mỗi khi nhận được lời khen từ người tiêu dùng “nấm ngon thế, thơm thế, khác hẳn nấm chỗ khác…”, bản thân lại có thêm rất điều động lực để cố gắng vượt qua, Chu Thị Thủy chia sẻ.
Đến nay, tuy mới bước đầu hoàn thiện quy trình, sản lượng trang trại đạt được trung bình 1 tấn/tháng. Chưa khi nào trang trại bị ế nấm, thừa nấm. Nhưng điều cô chủ trại nấm vui hơn hết là nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Có những khách hàng vì yêu nấm mà sẵn sàng cho vay Thủy cả trăm triệu không cần thế chấp để mở rộng trang trại.
Mong muốn lớn nhất của Thủy lúc này là mở rộng quy mô trang trại, trồng được đa dạng sản phẩm nấm Việt Nam an toàn, thơm ngon. Đồng thời, cô cũng tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm nấm sau chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm nấm và thời gian sử dụng./.
Theo Infonet.vietnamnet.vn
- Thu nhập tiền triệu mỗi ngày từ trồng măng tây (04/08/2020)
- Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng nha đam (13/07/2020)
- Gương thanh niên khởi nghiệp và làm kinh tế giỏi (12/07/2020)
- Vươn lên từ trang trại (08/07/2020)
- Người bắt mảnh đất cằn cỗi nảy mầm xanh (26/06/2020)
- Trồng nấm thu lãi 150 triệu đồng /năm (26/11/2019)
- Mô hình sản xuất kết hợp cho giá trị kinh tế cao (26/11/2019)
- An Giang: Mạnh dạn chuyển đổi sang trồng chanh giấy cho thu nhập cao (26/11/2019)
- Bí quyết của nông dân nuôi lợn lãi tiền tỷ trong bão dịch tả Châu Phi (18/11/2019)
- Nghệ An: Phụ nữ khởi nghiệp nhờ mô hình kinh tế tập thể (18/11/2019)