Bạo lực gia đình và một số giải pháp phòng tránh
22/01/2021

Ngày nay, khi chúng ta đang chung tay xây dựng xã hội văn minh tiến bộ, gia đình hạnh phúc nhưng tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức, do đó chúng ta cần phải đấu tranh để hạn chế và từng bước xóa bỏ nó trong đời sống xã hội.

1. Khái niệm bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là: “hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” (Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007).

Có thể chia bạo lực gia đình thành 4 nhóm chủ yếu sau:

- Bạo lực về thể chất: là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ.

- Bạo lực về tinh thần: là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình.

- Bạo lực về kinh tế: là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền sở hữu tài sản, quyền tự do lao động…).

- Bạo lực về tình dục: là tất cả các hành vi mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con.

Bạo lực về tình dục là vấn đề khá tế nhị, người ta thường hay giấu nhưng nó xảy ra khá nhiều và gây hậu quả làm đổ vỡ gia đình.

2. Hậu quả của bạo lực gia đình

Hậu quả của mỗi hành vi bạo lực gia đình trực tiếp hay gián tiếp đều tác động và ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội.

+ Làm tổn thương về tinh thần đối với những người bị bạo hành.

+ Gây thương tích thân thể, thậm chí gây tử vong.

+ Vợ chồng ly thân dẫn đến ly hôn gia đình tan vỡ.

+ Gây nhiều hậu quả xấu và nhiều vấn nạn xã hội phải giải quyết.

3. Các giải pháp phòng chống bạo lực gia đình đối với các nạn nhân bị bạo hành (cần biết một số kỹ năng để phòng tránh)

  1. Nhận biết các dấu hiệu mình sắp bị bạo hành.
  2. Thừa nhận đối tác của mình là người gây bạo lực.

Phụ nữ còn tư tưởng "xấu chàng hổ ai" nên không chịu thừa nhận họ là người đã gây ra những tổn hại đến thể xác và tinh thần cho mình.

  1. Nói cho hàng xóm biết để họ có thể giúp đỡ.
  2. Phòng bị một chiếc điện thoại trong nhà để liên lạc với người bên ngoài.
  3. Lưu trong danh bạ một vài số điện thoại khẩn cấp của cán bộ trong khu phố, Công An địa phương, số 113 để liên hệ khi có bạo lực nghiêm trọng.
  4. Thực hiện ngay một cuộc gọi cho người thân.
  5. Ghi nhận lại bằng chứng: ghi nhận lại tất cả bằng chứng - ngày, giờ diễn ra bạo hành để làm căn cứ nếu có kiện tụng trước tòa.
  6. Dự trù một tài khoản bí mật cho riêng mình nếu thấy cần thiết.
  7. Nên im lặng là vàng khi chồng quá say xỉn.
  8. Gặp gỡ chuyên gia tâm lý để nghe tư vấn .

Những người phụ nữ nên ý thức:“Mọi thứ sẽ thay đổ nếu bạn dám tố cáo. Không phụ nữ nào đáng phải chịu cảnh bạo hành gia đình”.

 Phòng chống bạo lực gia đình không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức độc lập mà là công việc chung, cần có sự kết hợp đồng bộ, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan và cả hệ thống chính trị, cả xã hội vào cuộc mới mang lại hiệu quả thiết thực nhằm xây dựng xã hội văn minh tiến bộ, gia đình hạnh phúc.


Số lượt đọc: 921 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác