Số lượt truy cập: 3236548
Đang online: 61
Với mong ước sáng tạo ra những sản phẩm công
nghệ hỗ trợ cộng đồng, Nguyễn Huỳnh Nhật Thương, sinh viên Đại học Bách Khoa Đà
Nẵng đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích như kính
thông minh cho người khuyết tật; Hệ thống thông báo cho người thân khi gặp sự cố
té ngã của người già; Hệ thống báo lũ.
Nguyễn Huỳnh Nhật Thương đang là sinh viên năm thứ tư, Khoa Điện tử viễn thông, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Là một cán bộ Đoàn nên Nhật Thương tích cực tham gia công tác xã hội.
Thương chia sẻ: “Khi đi làm tình nguyện tại các Trung tâm bảo trợ xã hội, mình thấy người khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Đối với người khuyết tật tay, việc sử dụng máy tính khó khăn đã hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm của họ. Chính điều này thôi thúc mình phải làm gì đó để giúp đỡ họ có cơ hội tìm việc làm, nâng cao vị thế người khuyết tật trong xã hội”.
Sau thời gian trăn trở, Thương cùng người bạn Lê Anh Tiến đã nghiên cứu và cho ra đời kính thông minh cho người khuyết tật mang tên Handi Glass. Đây là thiết bị có hình dạng một chiếc kính đeo mắt. Handi Glass được gắn cảm biến, mạch xử lý, bộ phận truyền tín hiệu không dây và được kết nối với máy tính qua bộ thu tín hiệu.
Với những người khuyết tật không thể vận động tay, không có tay hoặc không thể sử dụng tay một cách bình thường, Handi Glass giúp họ dễ điều khiển máy tính hơn. Họ chỉ cần cử động đầu như nghiêng trái, nghiêng phải, cúi hoặc ngửa đầu để con trỏ di chuyển, sau đó nhấp chuột trái, chuột phải bằng cách nháy mắt.
Nhật Thương cho biết: “Để nhấp chuột trái thì người dùng nhắm mắt trái, nhấp chuột phải thì nhắm mắt phải. Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng bàn phím thông qua việc nhấp chuột vào bàn phím ảo”.
Nguyễn Huỳnh Nhật Thương đang thử nhiệm kính thông minh. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Kính sử dụng công nghệ truyền dữ liệu không dây Bluetooth 4.0 tiết kiệm năng lượng. Chỉ cần kết nối với máy tính bằng một thiết bị nhận thông qua chuẩn USB, máy tính sẽ tự động nhận thiết bị và người dùng có thể sử dụng thoải mái mà không phải phụ thuộc vào bất cứ phần mềm nào. Việc truyền tín hiệu không dây giữa kính và máy tính bằng công nghệ Bluetooth 4.0 giúp tăng thời gian sử dụng kính lên nhiều lần, kết hợp với việc tối ưu thuật toán, thời gian sử dụng kính liên tục có thể lên đến 8 giờ. Ngoài ra, chiếc kính còn giúp người khuyết tật điều khiển bật, tắt các thiết bị như đèn, quạt.
Handi Glass đã được dùng thử nghiệm ở nhiều Trung tâm người khuyết tật ở Đà Nẵng, được đánh giá khả quan về chất lượng cũng như giá thành của thiết bị (chỉ khoảng 500.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với những loại kính thông minh có giá hàng chục triệu của các nhãn hàng lớn như Samsung).
Chiếc kính thông minh cho người khuyết tật này đã mang lại khá nhiều giải thưởng cho Thương và Tiến như: giải Nhất ý tưởng trong BKTECHSHOW tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học của Đại học Bách Khoa Đà Nẵng 2015; Giải Nhì cuộc thi Mekong Business Challenge; được mời tham gia Triển lãm Sáng kiến thanh niên 2015 và đoạt giải Nhất chương trình Khởi nghiệp cuối tuần - Startup Weekend ở Đà Nẵng năm 2014; giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawaii 2015 tại Hà Nội.
Không ngủ quên trên thành công, tháng 11/2015, trên tinh thần kế thừa và phát triển đề tài nghiên cứu của các đàn anh đi trước, Thương và nhóm bạn đã tạo ra hệ thống phát hiện và cảnh báo té ngã. Đây là hệ thống được xây dựng với mục đích chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bệnh nhân. Hệ thống khá đơn giản gồm camera được kết nối với một chiếc máy tính. Camera sẽ được lắp đặt tại nhà hoặc tại các cơ sở chữa bệnh. Nếu bệnh nhân bị té ngã thì camera sẽ nhận dạng tình huống, chụp ảnh và chuyển cho máy tính xử lý. Sau đó, đồng thời gửi thông tin cũng như chụp một bức ảnh hiện trạng để gửi đến cho người thân, bác sĩ qua email. Hệ thống cảnh báo té ngã này sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro không đáng có và chăm sóc người cao tuổi, bệnh nhân tốt hơn.
Gần đây nhất, Nhật Thương vừa hoàn thành nghiên cứu về hệ thống cảnh báo lũ. Theo đó, hệ thống sử dụng nhiều trạm vũ lượng kế đặt trên các sườn núi, nơi địa hình bị chia cắt, độ che phủ bề mặt kém, có nguy cơ xảy ra lũ quét để đo lưu lượng mưa. Các trạm sẽ thu thập thông tin và gửi về trạm trung tâm tại các địa phương để phân tích, đưa ra cảnh báo khi lưu lượng mưa tăng đạt đến mức độ xảy ra lũ.
Hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời và công nghệ truyền không dây RF, không phụ thuộc vào điện lưới và hạ tầng mạng viễn thông tại địa phương, có ý nghĩa cho sự phát triển của xã hội và sự an toàn của người dân này đã mang về cho Thương giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học 2015 - 2016 do Đoàn trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng tổ chức.
Thầy Vũ Vân Thanh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học của trường Đại học Bách Khoa cho biết: “Thương là một sinh viên giỏi, năng động, đam mê nghiên cứu khoa học… và là niềm tự hào của trường khi mang về nhiều giải thưởng”.
Điều đáng quý hơn là tất cả đề tài nghiên cứu khoa học của Thương đều hướng đến phục vụ cộng đồng, đặc biệt là những người kém may mắn trong xã hội. Thương và các bạn đang tìm kiếm và kêu gọi nhà đầu tư nhằm đưa những sản phẩm khoa học này ra sử dụng phổ biến, rộng rãi hơn trong đời sống.
“Trong tương lai, em sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, ứng dụng khoa học phục vụ nông nghiệp để giúp nông dân có thể phát triển kinh tế nông nghiệp, vươn lên thoát nghèo.” Thương chia sẻ.