Ngày 19 tháng 11 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, Chính phủ đã bổ sung có một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP như dưới đây:
Đối với hành vi vi phạm về đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung: Ngoài các hành vi đã được quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP như “Không đăng ký hoặc không đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định; Không thông báo cho người tiêu dùng về việc thay đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định; thì Nghị định số 124/2015/NĐ-CP bổ sung thêm hành vi “Không áp dụng đúng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định”.
Khi thực hiện các hành vi vi phạm nói trên, cá nhân thực hiện có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; bên cạnh đó, phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Đối với hành vi vi phạm về hợp đồng giao kết từ xa: Ngoài các hành vi đã được quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP như “Không cung cấp đầy đủ, rõ ràng các thông tin theo quy định; Không hoàn lại tiền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tiêu dùng tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết hoặc không trả lãi đối với khoản tiền chậm trả cho người tiêu dùng theo quy định” thì Nghị định số 124/2015/NĐ-CP bổ sung thêm các hành vi như “Hạn chế hoặc cản trở người tiêu dùng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết trong thời hạn mười ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin theo quy định; Buộc hoặc yêu cầu người tiêu dùng phải trả chi phí để được phép thực hiện việc chấm dứt hợp đồng đã giao kết ngoại trừ chi phí đối với phần hàng hóa, dịch vụ đã được người tiêu dùng sử dụng”.
Khi thực hiện các hành vi vi phạm nói trên, cá nhân thực hiện có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đối với hành vi vi phạm về hợp đồng bán hàng tận cửa: Nghị định số 124/2015/NĐ-CP bổ sung thêm các hành vi như “ Không giải thích đầy đủ, chính xác cho người tiêu dùng về điều kiện của hợp đồng, các thông tin liên quan đến hàng hóa, dịch vụ sẽ giao dịch với người tiêu dùng; Hợp đồng bán hàng tận cửa không được lập thành văn bản và giao cho người tiêu dùng một bản theo quy định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Khi thực hiện các hành vi vi phạm nói trên, thương nhân kinh doanh bán hàng tận cửa thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000.
Đối với hành vi vi phạm khác trong quan hệ với khách hàng, người tiêu dùng: Nghị định số 124/2015/NĐ-CP bổ sung thêm các hành vi như “Thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự; Yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng; Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng”.
Khi thực hiện các hành vi vi phạm nói trên, cá nhân thực hiện có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa, dịch vụ giao dịch.
Bên cạnh đó, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP bổ sung thêm quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với việc thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không giải trình hoặc giải trình không đúng thời hạn hoặc không cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định;
- Từ chối tiếp nhận yêu cầu tiến hành thương lượng của người tiêu dùng hoặc không tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định.
Nghị định cũng sửa đổi hành vi “Không cung cấp cho người tiêu dùng Giấy bảo hành, trong đó ghi rõ thời gian và điều kiện thực hiện bảo hành” được quy định tại khoản 1 điều 75 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP thành Hành vi “Không cung cấp cho người tiêu dùng Giấy tiếp nhận bảo hành trong đó ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành” nhằm đảm bảo sự phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật đã được Quốc hội khóa 12 thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 17 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011). Thương nhân kinh doanh hàng hóa có hành vi vi phạm quy định này có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa, linh kiện, phụ kiện liên quan được yêu cầu thực hiện bảo hành.
Mức tiền phạt quy định tại Nghị định này và Nghị định số 185/2013/NĐ-CP là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân. Ngoài việc bị phạt tiền, thì tùy nội dung từng hành vi và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi hàng hóa không bảo đảm chất lượng đối với hành vi vi phạm hoặc bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Nghị định số 124/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2016.
Tính đến nay Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được đưa vào áp dụng và triển khai thực hiện hơn 04 năm. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm về quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn diễn ra phổ biến với nhiều hành vi tinh vi và phức tạp hơn. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý nêu trên được kỳ vọng sẽ làm tăng tính hiệu quả, hiệu lực thực thi của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thực tiễn trong thời gian tới