Cần chọn cá giống đảm bảo chất lượng, đều con, bơi lội hoạt bát, không dị hình. Vây cá phủ kín, không mất nhớt, không xây xát, quy cỡ tiêu chuẩn khoảng 8 – 12 cm.
Chuẩn bị ao nuôi
Địa điểm xây dựng nuôi cá ao nước ngọt phải đảm bảo các điều kiện như chủ động nguồn nước cấp, không ô nhiễm.
Ao nuôi nên xây thiết kế theo hình vuông và hình chữ nhật, bo tròn các góc. Cống cấp và cống thoát được bố trí ở hai phía đối lập nhau. Đáy ao bằng phẳng, hơi dốc về phía cống thoát. Cống cấp cách đáy 0,8 – 1 m, cống thoát nước nằm sát đáy ao.
Xử lý ao trước khi nuôi: Đối với những ao mới thì cần tát cạn tháo rửa chua 1 – 2 lần. Sau đó, bón vôi. Có thể sử dụng một trong hai loại là vôi sống (CaO) hoặc đá vôi nghiền (CaCO3). Tuy nhiên, vôi sống vẫn là lựa chọn tốt, nhờ khả năng diệt khuẩn mạnh, giúp cân bằng pH tối ưu. Bón vôi khắp mặt ao, bờ ao, đặc biệt ở vị trí thường cho cá ăn.
Tiếp đó, phơi ao, thời gian phơi tùy thuộc vào chất đất, với vùng đất nhiễm phèn chỉ phơi trong khoảng 3 – 5 ngày trước khi tiến hành cấp nước. Nước trước khi được bơm vào ao cần được lọc kỹ để loại bỏ tạp chất, vi khuẩn cũng như ấu trùng gây hại.
Để gây màu nước, có thể sử dụng phân hữu cơ, phân vô cơ đều được. Phân hữu cơ thường dùng là phân chuồng hoặc phân xanh. Phân chuồng trước khi bón xuống ao cần ủ kỹ với 1 – 2% vôi. Bón lượng 30 – 50 kg/100 m2, rải đều khắp mặt ao. Phân xanh bó thành từng bó 5 – 10 kg, dùng cọc cố định đảm bảo bó phải ngập nước; sau 7 – 10 ngày, vớt hết những phần phân xanh không phân hủy lên khỏi ao. Phân vô cơ (đạm, lân) theo tỷ lệ 2:1, với lượng 0,2 – 0,4 kg/100 m2, hòa tan vào nước rồi té khắp bề mặt ao. Sau khi gây màu nước từ 2 – 3 ngày, có thể tiến hành thả cá.
Cần chọn cá giống đảm bảo chất lượng, đều con, bơi lội hoạt bát, không dị hình. Vây cá phủ kín, không mất nhớt, không xây xát, quy cỡ tiêu chuẩn khoảng 8 – 12 cm. Màu sắc cá tươi sáng, đặc trưng với từng loài. Có thể vận chuyển đến nơi thả giống bằng thùng, xô, chậu… nếu chuyển gần. Nếu xa, phải sử dụng bao nilon có bơm ôxy. Vận chuyển và thả cá giống vào lúc trời mát. Khi thả cần ngâm túi nilon đựng cá vào trong nước ao nuôi khoảng 15 – 20 phút, để cân bằng nhiệt độ trong túi nilon và nhiệt độ môi trường nuôi. Sau đó, mở một đầu túi, cho nước chảy từ từ vào, để cá bơi tự nhiên ra, khi cá ra khoảng 2/3 số con mới dốc túi cho cá ra hết.
Để phòng bệnh cho cá, trước khi thả giống cần tắm khử trùng cho cá trong dung dịch muối ăn nồng độ 2 – 3% trong 5 – 10 phút, thuốc tím nồng độ 0,001 – 0,002% (1 g thuốc tím hòa trong 50 – 100 lít nước sạch), trong 10 – 20 phút hoặc dung dịch CuSO4, nồng độ 0,5 – 0,7 g/m3 nước trong 20 – 30 phút.
Tùy vào hình thức nuôi, thả với mật độ khác nhau. Nuôi trong ao nước tĩnh (nuôi đơn hay nuôi ghép) thả với mật độ 1 – 2 con/m2 mặt nước. Nuôi ghép ao nước chảy thả khoảng 3 – 5 con/m2. Khi thả ghép, tùy vào điều kiện ao nuôi mà nên chọn đối tượng cho phù hợp. Ao có diện tích lớn hơn 1.000 m2, màu nước xanh lá chuối, phân chuồng nhiều nên nuôi cá mè là đối tượng chính. Vùng nuôi cung cấp được thức ăn xanh, nên nuôi cá trắm cỏ là đối tượng chính. Ao có nguồn nước thải từ các chuồng nuôi thì nên nuôi cá rô phi, cá trôi, cá chép là đối tượng chính.
Quản lý, chăm sóc
Tùy theo điều kiện nuôi để chọn loại thức ăn phù hợp, có thể sử dụng toàn bộ thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn viên các tháng đầu và cuối, còn những tháng giữa vụ cho ăn thức ăn tự chế từ nguồn phụ phẩm tại chỗ và rau. Cá nhỏ cho ăn thức ăn có hàm lượng đạm cao và giảm dần khi cá lớn. Cá nhỏ cho ăn với lượng 5 – 7% trọng lượng thân, cá lớn cho ăn 2 – 3% trọng lượng thân.
Sử dụng thức ăn tự chế cần nghiền nhỏ nguyên liệu, nấu chín, nắm thành những nắm nhỏ rồi ép viên cho cá ăn. Cần cho cá ăn đầy đủ theo khẩu phần để cá lớn nhanh.
Không nên cho cá ăn vào thời điểm nhiệt độ quá cao hay quá thấp, khi hàm lượng ôxy hòa tan thấp… Ngoài ra, với từng thành phần loài khác nhau, thức ăn bổ sung cũng khác nhau.
Trong quá trình nuôi cần thường xuyên theo dõi môi trường nước. Định kỳ 20 – 30 ngày, sử dụng vôi lượng 2 – 3 kg/100 m2, hòa tan trong nước rồi té đều khắp mặt ao. Trong những tháng nuôi đầu, định kỳ 1 tháng/lần thay nước cho ao nuôi với lượng 20 – 30% lượng nước, sang những tháng nuôi sau, định kỳ thay nước 1 tháng/lần. Để tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi, định kỳ 1 tháng/lần, bổ sung thêm Vitamin C, khoáng, tỏi tươi xay nhuyễn vào thức ăn, nhất là trước và trong những thời điểm giao mùa.
Vào những ngày trời nắng, nhiệt độ cao, tảo phát triển mạnh, cá dễ nổi đầu vào ban đêm do thiếu ôxy. Người nuôi cần lưu ý ngừng bón phân, giảm lượng thức ăn, bật máy bơm để giảm thiểu tác động đến sức khỏe cá nuôi.
- Kinh nghiệm chống nắng nóng và phòng bệnh cho gia cầm vào mùa hè (11/12/2018)
- Kỹ thuật nuôi cá rô phi thương phẩm (11/12/2018)
- Kỹ thuật chăm sóc dê cái trước và sau khi sinh (11/12/2018)
- Kỹ thuật chăn nuôi bò hiệu quả cao (11/12/2018)
- Phương pháp thả cá giống đạt tỷ lệ sống cao (03/12/2018)
- Phương pháp nuôi lợn bằng thức ăn lên men lỏng (03/12/2018)
- Hà Nội: Hiệu quả từ mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi (20/11/2018)
- Quảng Trị: “Khởi nghiệp” từ mô hình nuôi ếch (20/11/2018)
- TẬP HUẤN KỸ THUẬT CHĂN NUÔI GÀ LẤY TRỨNG (16/11/2018)
- Một số lưu ý nuôi ghép cua đồng và cá chạch đồng (05/12/2016)