Sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá cóc
05/12/2016
Sau thành công sinh sản nhân tạo cá hô, Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ tiếp tục nghiên cứu sinh sản nhiều giống cá quý có nguy cơ tuyệt chủng khác. Cá cóc, loài cá đặc sản ngon nổi tiếng của miền Tây, đã được trung tâm cho sinh sản nhân tạo và đưa vào nuôi thương phẩm thành công.

Sinh sản nhân tạo cá quý

Ngoài tự nhiên, cá cóc có kích thước lớn, có thể dài tới 80 cm, nặng khoảng 10 kg. Thịt cá cóc thơm ngon rất được ưa chuộng, bán 60.000 - 100.000 đồng/kg, nên cá luôn bị săn bắt ráo riết, đến nay gần như cạn kiệt. Cá cóc (Cyclocheilichthys enoplos, thuộc họ cá chép Cyprinidae), hiện diện ở Lào, Thái Lan, Campuchia, Indonesia và ở sông Tiền, sông Hậu của Việt Nam. Cá thích nghi với điều kiện nước chảy và có tập tính di cư sinh sản. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cá cóc thường được khai thác quanh năm ở sông Tiền và sông Hậu bằng câu, lưới, chài, đáy và đóng chà ven sông.

Cá cóc đã được nuôi ghép trong ao và bè với các loài cá khác. Cá có tốc độ tăng trưởng từ chậm đến trung bình. Trước đây cá cóc chưa được nuôi phổ biến do nguồn cá giống phụ thuộc vào việc đánh bắt từ tự nhiên, với sức chịu đựng rất kém, nhất là khi vận chuyển đi xa. Cá yếu và dễ chết khi rời khỏi môi trường nước chảy (sông). Tuy vậy sau khi thuần dưỡng cá cũng thích nghi được với điều kiện nước tĩnh hoặc sống được trong bè nuôi với mật độ cao như cá tra, cá he, rô phi…

TS. Phạm Văn Khánh, giám đốc Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ cho biết, hiện nay nghề nuôi cá nước ngọt ngày càng phát triển, nên nhu cầu về cá giống ngày càng đa dạng. Cá cóc là một trong những loài cá có thể nuôi trong ao, bè, đăng quầng. Nghiên cứu sinh sản nhân tạo để sản xuất giống cá cóc nhằm bổ sung giống loài mới vào cơ cấu đàn cá nuôi là việc làm cần thiết, đồng thời còn góp phần gìn giữ nguồn gen loài cá đang ngày càng trở nên hiếm hoi. 

Nuôi cá cóc thương phẩm

Hạn chế hiện nay khi nuôi thương phẩm là cá chậm lớn, trong năm đầu tiên cá có thể tăng trọng chậm. Do nuôi trong điều kiện nước chảy, cá không kịp ăn trước khi thức ăn đã bị trôi đi mất, dẫn đến hao hụt và giảm hiệu quả kinh tế. Nuôi trong bè, nên thả cá có kích cỡ lớn từ 100 g trở lên. Thả ghép với cá khác thì cá lớn nhanh hơn. Cá cóc có đặc tính ăn thiên về động vật.

Nuôi đơn trong ao

Ao nuôi có diện tích từ 500 m2 trở lên, có cống chủ động cấp, thoát nước, được chắn lưới chắc chắn để cá không thoát ra ngoài và sinh vật gây hại không lọt vào ao; có độ sâu từ 1,5 - 2 m, nhiệt độ 26 - 300C, pH 7 - 8, hàm lượng o­xy hòa tan trên 2 mg/lít.

Tát cạn ao, vét bớt bùn đáy, rải vôi bột xuống đáy và mái bờ ao (7 - 10 kg/100 m2), phơi đáy ao.

Dọn sạch cỏ bờ, lấp hết hang hốc cua, rắn, chuột. Dẫn nước vào ao qua lưới chắn lọc.

Cá cóc giống dùng nuôi cá thương phẩm phải khỏe mạnh, bơi nhanh nhẹn, có màu sắc tươi, vây và vảy hoàn chỉnh, không sây sát, không bị mất nhớt. Ở các tỉnh Nam bộ, do thời tiết và khí hậu thuận lợi, có thể nuôi quanh năm với cá giống lớn cỡ 5 - 6 cm (4 - 5 g/con), mật độ nuôi 1 - 2 con/m2, trước khi thả được tắm nước muối 3% trong 5 - 6 phút để diệt các ký sinh trùng bám trên thân cá và làm lành nhanh các vết sây sát. Có thể sử dụng thức ăn tự chế biến và thức ăn viên công nghiệp. Nguyên liệu thức ăn tự chế biến gồm:

 

TT

Loại nguyên liệu

Tỷ lệ (%) các tháng sau 

Tỷ lệ (%) các tháng sau 

1

2

3

4

Cám gạo hoặc tấm

Cá vụn (hoặc đầu tôm cá, phụ phẩm lò mổ)

Bánh dầu

Premix khoáng/vitamin

45

50

4,8

0,2

45

40

14,8

0,2

 

 

Nguyên liệu được xay nhuyễn, nấu chín, để nguội và đưa xuống sàn cho cá ăn. Khẩu phần ăn bằng 4 - 5% trọng lượng cá/ngày.

Thức ăn viên công nghiệp là loại có hàm lượng đạm 25 - 30%. Trong 3 tháng đầu tiên dùng thức ăn có kích cỡ nhỏ vừa với cỡ miệng cá với hàm lượng đạm 30%. Từ tháng thứ tư cho thức ăn có kích cỡ lớn hơn, với hàm lượng đạm 25%. Khẩu phần ăn từ 1,8 - 2% trọng lượng cá/ngày. Cho cá ăn 2 lần/ngày (sáng 7 - 8 giờ, chiều 17 - 18 giờ). Thường xuyên kiểm tra và ước lượng trọng lượng đàn cá để cung cấp thức ăn đầy đủ.

Theo dõi mức độ ăn của cá để điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày hợp lý. Thường xuyên kiểm tra ao để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố bất thường như ao bị rò rỉ nước, bờ sụt lở, đăng cống hư hỏng. Thay nước hàng tuần, mỗi lần 15 - 20% thể tích nước trong ao.

Khi cá có hiện tượng khác thường, nhanh chóng xác định nguyên nhân để xử lý, đồng thời cho nước mới vào ao và tạm thời ngưng cho ăn. Để khử trùng nước ao, có thể sử dụng chế phẩm vi sinh hoặc formalin pha loãng 30 ppm tạt đều mặt nước ao theo chỉ dẫn. Sử dụng các loại thuốc và hóa chất phòng trị bệnh phải theo đúng chỉ dẫn. Không sử dụng thuốc và hóa chất bị cấm.

Nuôi ghép cá cóc trong ao, đăng quầng và bè

Có thể nuôi ghép cá cóc với các loài cá khác như cá tra, cá rô phi. Thức ăn cho những loài cá khác cũng giống như của cá cóc. Cỡ cá nuôi 6 - 7 cm (4 - 5 g/con) hoặc cá có kích cỡ lớn 100 g/con trở lên. Mật độ nuôi ghép trong ao là 0,5 con/m2, trong bè 1 - 2 con/m3. Thức ăn và thời gian nuôi tùy thuộc vào loài cá nuôi chính.

Thu hoạch

Cá nuôi đơn trong ao sau 12 - 15 tháng thì thu hoạch, khi cá đạt từ 200 đến 300 g/con. Thu đồng loạt trong thời gian ngắn. Những cá chưa đạt cỡ thương phẩm nên để nuôi tiếp cho vụ sau. Sau vụ thu hoạch phải tát cạn ao và chuẩn bị cho vụ nuôi kế tiếp.

Cá nuôi ghép trong ao, đăng quầng và trong bè thì thu hoạch một lần cùng với cá chính. Nếu kích cỡ khi thả nuôi quá nhỏ, khi thu hoạch các loài cá nuôi chính, có thể thu tỉa những cá cóc đạt quy cỡ thương phẩm (300 g trở lên), số còn nuôi tiếp ở vụ sau. Nước thải của ao nuôi phải được xử lý trước khi thải ra môi trường.


Số lượt đọc: 1547 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác