Hiến tặng mô, tạng và đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não là một việc làm, nghĩa cử nhân văn vô cùng cao đẹp mà bất kỳ ai cũng có thể và có cơ hội thực hiện trọn vẹn ngay trong đời sống này. Tuy nhiên, để góp phần làm rõ các điều kiện hiến tặng cụ thể cũng như các quyền và lợi ích chính đáng của người hiến tặng mô, tạng hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng, chúng ta cần nắm vững một số thông tin cơ bản sau:
1. Ai có thể hiến tạng?
Bất kỳ ai từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không phân biệt giới tính, tín ngưỡng, địa vị xã hội... đều có quyền hiến tặng mô, bộ phận cơ thể (tạng) của mình khi còn sống hoặc hiến tặng sau khi chết, chết não và hiến xác. Pháp luật quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết (Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác). Việc đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não phải được thể hiện qua đơn tình nguyện hiến tặng. Pháp luật mặc dù không quy định trong mẫu đơn 5 đăng ký hiến tặng phải có sự đồng ý của thân nhân người đăng ký hiến tặng, nhưng trên thực tế, nếu việc đăng ký hiến tặng mô, tạng mà gia đình không biết sẽ rất khó khăn trong việc báo tin cho cơ sở y tế biết để tiếp nhận mô, tạng hoặc thậm chí nếu gia đình sẽ phản đối thì người đăng ký hiến không thực hiện được nguyện vọng của mình. Vì vậy, chúng ta nên chủ động trao đổi nguyện vọng hiến tặng của mình cùng gia đình để nhận được sự ủng hộ. Việc trao đổi vừa là để giải quyết về mặt tình cảm, vừa là để chắc chắn rằng, tâm nguyện đó sẽ được người thân thực hiện.
2. Ghép mô, tạng là gì?
Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mãn, suy gan, suy tim, suy tuỷ, hỏng giác mạc...
Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não.
3. Ai có thể đăng ký hiến tặng mô, tạng?
- Bất kỳ Ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký vào danh sách hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não).
- Những người cao tuổi đều không có giới hạn đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não bởi trên thực tế, một người hiến tặng cao tuổi vẫn có thể tiếp nhận giác mạc và thậm chí, các tạng khác cũng có thể tiếp nhận nếu đủ điều kiện sử dụng.
- Đừng bao giờ nghĩ mình không đủ sức khỏe hoặc quá già để đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.
4. Lợi ích của việc hiến, ghép mô, tạng
Nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn. Theo thống kê năm 2006 của ngành Y tế khi xây dựng Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, dân số Việt Nam có hơn 90 triệu người thì trong khi đó có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi ... Cũng theo một khảo sát khác năm 2016 của Trung tâm Điều phối 7 Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, khi thực hiện nghiên cứu nhu cầu ghép Thận của bệnh nhân suy thận mạn tại 12 cơ sở chạy Thận nhân tạo địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội, đã ghi nhận 2.083 người có chỉ định cần ghép Thận thay thế. Đi kèm theo đó, không chỉ là gánh nặng cho gia đình, người thân của những người bệnh đang sống trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, tật bệnh... mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng, xã hội và ngành y tế phải nỗ lực ưu tiên chăm sóc, cứu chữa tận cùng người bệnh. Do vậy, nếu có đủ mô, tạng để ghép thì đó chính là món quà vô giá, quà tặng hồi sinh cuộc sống cho những người bệnh, là niềm vui, hạnh phúc cho gia đình người bệnh nói riêng và còn giảm gánh nặng cho cộng đồng, xã hội và ngành y tế. Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não. Một người chết não hiến tặng mô, tạng có thể cứu sống cho cả chục người bệnh khác như: Thận, tim, gan, phổi, tụy, giác mạc, mạch máu, gân, da, xương...
5. Làm thế nào để đăng ký hiến mô, tạng hoặc hiến xác?
5.1. Tại thành phố Hồ Chí Minh, đến trực tiếp Bệnh viện Chợ Rẫy để đăng ký hiến tặng theo địa chỉ sau: Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - Bệnh viện Chợ Rẫy Tel: 028.39560139/0838554137-184; 0913677016.
Email:dieuphoigheptangbvcr@gmail.com;
Website: www.choray.vn
5.2. Nếu ở xa hoặc không thể đến trực tiếp Trung tâm, Bạn có thể gửi đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng + 01 ảnh 3x4 cm chân dung + Bản sao/chụp chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia qua đường Bưu điện để được tiếp nhận và cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng (sau khi chết/chết não).
5.3. Ngoài ra, có thể đăng ký hiến tạng qua website của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia: www.vnhot.com.vn / www.vnhot.vn (vào Mục Đăng ký hiến tặng và làm theo hướng dẫn). Một số thông tin cần thiết khác, cập nhật trên fanpage của Trung tâm: https://www.facebook.com/trungtamdieuphoigheptang quocgia.
5.4. Đến bất kỳ cơ sở y tế nào nơi gần nhất để bày tỏ nguyện vọng đăng ký hiến tặng mô, tạng của mình và cơ sở y tế đó sẽ có trách nhiệm báo cho Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để Trung tâm giới thiệu cơ sở y tế có chức năng gần nhất tư vấn, hướng dẫn việc đăng ký hiến tặng mô, tạng cho Bạn.
6. Quyền lợi của người hiến tạng?
6.1. Quyền lợi của người hiến mô?
- Người đã hiến mô (khi còn sống) được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế.
- Người hiến mô sau khi chết (giác mạc): Người hiến giác mạc sẽ được tôn vinh, gia đình người hiến giác mạc sẽ được trao tặng bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp. Thân nhân người hiến tặng giác mạc sẽ được ưu tiên trong khám, chữa mắt và đặc biệt được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ bị mắc bệnh về giác mạc và cần phải ghép thay thế.
6.2. Quyền lợi của người hiến tạng khi còn sống?
- Được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế.
- Được tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.
- Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trọn đời.
- Được ưu tiên ghép tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế. Ngoài ra, người hiến tạng khi còn sống còn được hưởng các chế độ khám sức khỏe định kỳ miễn phí theo quy định tại Thông tư số 104/2017/TT-BTC ngày 05/10/2017 của Bộ Tài Chính.
6.3. Quyền lợi của người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác?
- Được truy tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.
- Trường hợp thân nhân của người hiến tạng sau khi chết, hiến xác có nhu cầu tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở.
- Trường hợp cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến tổ chức tang lễ và mai táng được thanh toán chi phí theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 10 tháng lương cơ sở.
7. Ý nghĩa của việc hiến tạng khi còn sống và sau khi chết?
- Đối với người bệnh theo số liệu thống kê hàng năm có hàng ngàn người bị suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo, mỗi bệnh nhân tiêu tốn một khoản tiền vô cùng lớn cho chạy thận nhân tạo, kèm theo đó là hệ quả của việc truyền máu như lây nhiễm HIV, viêm gan B… Đặc biệt là những người mắc những bệnh về gan, tim mạch, nếu không có tạng thay thế kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
- Một người hiến tặng mô, tạng cho những người bị bệnh thì đó không chỉ là một món quà vô giá, mà còn là cơ hội mang lại sự sống cuối cùng cho những người đang bị suy tạng giai đoạn cuối cần phải thay thế tạng, vì vậy món quà đó phải được trao một cách công bằng cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo vì ai cũng có quyền được sống, quyền được chữa bệnh, pháp luật quy định và thiết lập sự bình đẳng đó.
- Người khi còn sống có thể hiến: 01 lá gan hoặc một phần của lá gan; 01 quả thận, da, xương...
- Một người chết/chết não có thể hiến được các mô, tạng sau: 01 quả Tim, 01 lá Gan, 02 quả Thận, 01 Tụy, 02 lá phổi, 02 giác mạc, da, xương, gân, sụn…
Mọi thông tin liên quan đến việc đăng ký hiến mô, tạng xin liên hệ:
Hội Chữ thập đỏ xã Tân Hưng: (0254) 3732466; 3732502; 0949.24.62.62
Nguyễn Thị Liên – CT. Hội CTĐ
- HỘI THI TÌM HIỂU 04 PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC “ TỰ TIN, TỰ TRỌNG, TRUNG HẬU, ĐẢM ĐANG” (16/11/2018)
- HỘI THI “TÌM HIỂU KIẾN THỨC PHÁP LUẬT” (16/11/2018)
- TẬP HUẤN CÔNG TÁC CHỮ THẬP ĐỎ VÀ TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN NĂM 2018 (16/11/2018)
- ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ 05-CT/TW GẮN VỚI PHONG TRÀO “MỖI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN GẮN VỚI MỘT ĐỊA CHỈ NHÂN ĐẠO” CỦA HỘI CTĐ XÃ TÂN HƯNG (16/11/2018)
- SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ “VĂN HOÁ VĂN NGHỆ” QUÝ I/2018; PHÁT ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH “ĐỒNG HÀNH CÙNG PHỤ NỮ BIÊN CƯƠNG” (16/11/2018)
- HỘI LHPN XÃ TÂN HƯNG: DUY TRÌ SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ (16/11/2018)
- Một tổ phụ nữ điển hình trong học tập và làm theo Bác (16/11/2018)
- SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ NÔNG DÂN VỚI PHÁP LUẬT (15/11/2018)
- RA QUÂN CHIẾN DỊCH THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN HÈ NĂM 2018 (15/11/2018)
- TỔNG KẾT 10 NĂM CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN (GIAI ĐOẠN 2008 – 2017) VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG TÔN VINH NGƯỜI HIẾN MÁU NHÂN “NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI HIẾN MÁU 14/6”; TỔNG KẾT CÔNG TÁC HIẾN MÁU NHÂN ĐẠO NĂM 2017 VÀ SƠ KẾT CÔNG TÁC HIẾN MÁU NHÂN ĐẠO 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2018 (15/11/2018)