TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 26/4/2024
Tổng quan về phường
Tin hoạt động-KHCN
Sản phẩmHọat động UBND
Dịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Lượt truy cập: 307359
  TIN HOẠT ĐỘNG-KHCN

  Hiệp định CPTPP: Nông sản có nhiều khả năng bứt phá
07/12/2017

Dù “cục diện” thiếu vắng Hoa Kỳ phần nào gây ra sự hẫng hụt, làm cho lợi ích mà Việt Nam được hưởng từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giảm sút hơn hẳn so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây, tuy nhiên với nhiều thị trường lớn, nỗ lực để tận dụng tốt nhất lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại là điều không thể lơ là.

Thêm thị trường, tăng cơ hội

Hiệp định TPP với 12 thành viên đã chính thức đổi tên thành Hiệp định CPTPP với 11 thành viên, không còn Hoa Kỳ. PGS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Theo tính toán của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nếu tham gia Hiệp định TPP, Việt Nam được hưởng lợi lớn nhưng vắng Hoa Kỳ, ở Hiệp định CPTPP, mức lợi thu được nhỏ hơn đáng kể.Cụ thể, với Hiệp định CPTPP, GDP tăng thêm chỉ đạt 1,32%, trong khi với Hiệp định TPP là 6,7%. XK với Hiệp định CPTPP chỉ tăng thêm 4%, trong khi Hiệp định TPP khoảng 15%.  Hiệp định CPTPP làm tăng NK 3,8%. Con số này ở Hiệp định TPP dự kiến là 10,5%.

“Mặc dù vậy, thiếu Hoa Kỳ không có nghĩa là Việt Nam mất đi lợi thế. Cái được trước mắt là được về thị trường. Trong số 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP, có nhiều nước đóng vai trò quan trọng và là các nền kinh tế lớn. Thêm được thị trường mới, đó là cơ hội cần phải tiếp tục tận dụng”, TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề này, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra nhận định: Kể cả khi con số lợi ích mang lại cho kinh tế Việt Nam rất ít thì việc tham gia Hiệp định CPTPP cũng là điều đáng cân nhắc. Bởi nếu không tham gia, khi các nước trong khối tập trung buôn bán với nhau sẽ giảm buôn bán với Việt Nam.

“Trên thực tế, đến hiện tại, ngay cả khi không có Hiệp định CPTPP, Việt Nam cũng đã mở cửa khá nhiều rồi. Các nước tham gia Hiệp định CPTPP không hoàn toàn là thị trường mới được tự do hóa của Việt Nam mà chỉ có 3 nước gồm: Peru, Mexico, Canada. Thêm được thị trường mới là gia tăng cơ hội, cần tận dụng tốt”, TS. Trần Toàn Thắng nói.

Tuyên bố chung của Bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định CPTPP nêu rõ: Các Bộ trưởng nhất trí rằng Hiệp định CPTPP phải duy trì các tiêu chuẩn cao, sự cân bằng tổng thể và bảo đảm sự nguyên vẹn của Hiệp định TPP trong khi vẫn bảo đảm lợi ích thương mại cũng như các lợi ích khác của tất cả các nước tham gia. Hiệp định này cũng cần bảo đảm quyền cơ bản của các nước tham gia trong việc điều hành chính sách, trong đó có sự linh hoạt dành cho họ khi thiết lập các ưu tiên về mặt pháp luật và chính sách của mình.

Các Bộ trưởng tái khẳng định, Hiệp định CPTPP thể hiện cam kết vững chắc của họ đối với việc mở cửa thị trường, đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Hiệp định CPTPP cần phản ánh mong muốn của các nước tham gia trong việc thực thi kết quả mà họ đã đạt được với nhau trong khuôn khổ Hiệp định TPP.

Các Bộ trưởng cũng xác nhận, văn kiện pháp lý của Hiệp định CPTPP cho phép các nước tham gia được hành động dứt khoát và kịp thời trong việc thúc đẩy các mục tiêu mà họ cùng chia sẻ. Mỗi nước cần tuân thủ các quy trình trong nước của mình, bao gồm cả việc tham vấn công chúng trước thời điểm ký kết…

Nông sản có nhiều khả năng bứt phá

Đề cập tới các ngành hàng được hưởng nhiều lợi ích trong Hiệp định CPTPP, TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, hưởng lợi trước hết chính là những ngành đang có thế mạnh XK như công nghiệp, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng và đặc biệt là nông nghiệp. Việt Nam có điều kiện về đặc thù đất đai, đặc tính sản phẩm… khiến cho những sản phẩm nông nghiệp có thể có sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, về lâu dài, theo TS. Hoàng Văn Cường, những ngành đang phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài sẽ có cơ hội để nước ngoài đầu tư thực hiện ngay trong nước, làm tăng chuỗi giá trị sản xuất của Việt Nam.

Xung quanh vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích thêm: Với Hiệp định TPP trước đây, có Hoa Kỳ, các ngành hàng như dệt may, da giày… được kỳ vọng sẽ phát triển vượt bậc so với hiện nay. Thậm chí, thời gian qua, nhiều dự án đầu tư trong ngành này đã chuyển từ các thị trường như Trung Quốc, Hồng Kông về Việt Nam để đón đầu cơ hội từ Hiệp định TPP. Hiện nay, với Hiệp định CPTPP, không có Hoa Kỳ, đồng thời các đối thủ cạnh tranh mới ngày càng phát triển, ngành dệt may, da giày sẽ không thể đạt được tăng trưởng đột phá như đã kỳ vọng. Tuy nhiên, nhiều ngành nghề khác vẫn có thể thúc đẩy XK nhờ vào Hiệp định CPTPP, điển hình là nông sản, thủy sản…

Chuẩn bị tốt về chính sách hội nhập

Mở ra không ít cơ hội, song Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn gì khi tham gia Hiệp định CPTPP? Trước câu hỏi này, TS. Hoàng Văn Cường cho rằng: Khó khăn lớn nhất là khả năng thích ứng của Việt Nam còn kém so với tiêu chuẩn đặt ra. Ví dụ như, Việt Nam có công nghệ lạc hậu hơn. Tổ chức về mặt sản xuất, kiểm soát thị trường của Việt Nam cũng chưa theo kịp các nước cùng tham gia hiệp định.

Về vấn đề này, TS. Trần Toàn Thắng cho biết thêm: “Theo tôi được biết, cơ bản các cam kết tại Hiệp định TPP chuyển sang Hiệp định CPTPP đều được giữ nguyên. Như vậy, Hiệp định CPTPP vẫn tạo sức ép cải cách thể chế mạnh mẽ lên Việt Nam. Hiệp định CPTPP có những điều khoản trực tiếp yêu cầu Việt Nam phải thay đổi luật lệ, quy tắc. Bởi vậy, muốn tận dụng được lợi ích và hạn chế tác động tiêu cực thì Việt Nam phải tự nâng được năng lực canh tranh của mình lên ngay cả khi Hiệp định CPTPP không bắt buộc ta phải làm như vậy”.

Một số chuyên gia nhìn nhận: Để tận dụng tốt cơ hội cũng như hạn chế các khó khăn, thách thức từ Hiệp định CPTPP, ngoài hoàn thiện những công việc cuối cùng trong đàm phán, Việt Nam cần chuẩn bị nhiều hơn cho cải cách bên trong, đặc biệt là trong lĩnh vực chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn về thể chế, chính sách hội nhập, xây dựng đội ngũ DN nội địa vững mạnh, hiểu biết kỹ hơn về hội nhập kinh tế thương mại… Với khu vực DN, tư duy đúng đắn là phải tự thân vận động, tiến lên bằng chính sức mình cũng như sự hợp tác trong khung khổ chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua nỗ lực nâng cao nguồn nhân lực, đầu tư cho khoa học công nghệ…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Hiệp định CPTPP cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ

Sự khác biệt giữa Hiệp định TPP và Hiệp định CPTPP không chỉ đơn thuần giữa Hiệp định có 12 thành viên và Hiệp định có 11 thành viên mà Hiệp định CPTPP còn cho phép các nước thành viên được tạm hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo cân bằng trong bối cảnh mới với chất lượng cao của hiệp định.

Bộ trưởng các nước đã thảo luận và thống nhất quan điểm được đánh giá cao của tất cả các quốc gia trong TPP 11 về việc duy trì TPP 11 với chất lượng rất cao, mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ về mở cửa thị trường, thương mại kinh tế,…  Mặc dù trong bối cảnh mới có một quốc gia rút ra khỏi Hiệp định TPP nhưng tất cả các quốc gia đều khẳng định quyết tâm và mong muốn tiếp tục con đường này. Chính vì vậy, tính chất và chất lượng của Hiệp định CPTPP thể hiện qua 2 từ bổ sung là Toàn diện và Tiến bộ. Đó là điều mà tất cả các Bộ trưởng TPP đều hướng đến, thống nhất, nhấn mạnh và coi là mục tiêu chung cho tính bao trùm của Hiệp định TPP.

 
langmoi.vn
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân phường Kim Dinh, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 820 632 - Fax: (84.064) 3 820 632
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu