Nuôi lươn ao đất, “một vốn -bốn lời”
25/11/2016
Trong các món ăn đặc sản sông nước miền Tây không thể không nhắc đến lươn. Đây không chỉ là món ăn giàu dinh dưỡng mà còn rất khoái khẩu của dân nhậu. Hiện có rất nhiều người giàu lên từ nghề nuôi lươn. Tuy nhiên, để nuôi lươn đạt hiệu quả cao, cần nắm vững quy trình kỹ thuật.

Một trong những nguyên nhân thất bại chính là khâu chọn con giống và quy trình nuôi thả lươn. Con giống chủ yếu  là thu gom ở đồng qua nhiều đợt, thả nuôi không đồng loạt, bị “rộng” nhiều ngày nên lươn giống yếu, dễ sây sát                                         hoặc chết nhiều, không lớn khi thả nuôi... Nguyên nhân thứ hai là do thiết kế mô hình chuồng nuôi không phù hợp với đặc tính riêng của lươn, người nuôi khó quan sát và quản lý nguồn nước không thông thoáng, nên khi thu hoạch sản lượng lươn đạt thấp.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi lươn ao đất của chị Nguyễn Thị Thắm ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long). Chị là một trong những hộ áp dụng mô hình nuôi lươn ao đất thành công nhiều năm qua và có rất nhiều kinh nghiệm về con vật khó tính này. Chị cho biết: “Nếu áp dụng đúng quy trình nuôi phù hợp thì chắc chắn sẽ thành công”. Theo kinh nghiệm nuôi lươn của gia đình chị và tổng hợp từ những người nuôi lươn khác, chúng tôi có thể đưa ra quy trình “nuôi lươn ao đất” để bạn đọc tham khảo:

Chuẩn bị ao nuôi

Đào ao rộng 4m, dài 10m, sâu 1m, đổ lớp cát dày khoảng 10cm dưới nền đáy để không bị lún, phủ một lớp cao su quanh mặt ao, làm một cống thoát nước và tràn nước. Sau đó đặt 3 - 4 khung gỗ (30 x 30cm) lươn có thể ra vào dễ dàng. Có thể đóng khung gỗ bằng cây tạp trong vườn như bàng, tre,... Lấy đất khô không bị nhiễm phèn hay nhiễm mặn đổ đầy khung, cho nước vào ngập đều khung đất, sau đó trồng các loại cây trên khung như lục bình, tai tượng hay rau muống để tạo bóng mát cho lươn. Khoảng 3-4 ngày sau phải thay nước, giữ mặt nước mới dưới 10cm. Khoảng 2 tuần sau mới thả lươn giống xuống ao nuôi.

Chọn giống

Giống thu gom ngoài tự nhiên phải chọn con mạnh khỏe, đem về thả vào thau, chậu vài ngày để loại bỏ con yếu, sau đó mới thả trực tiếp vào khung gỗ đất.

Chăm sóc

 Lươn mới thả chưa vội cho ăn ngay, trong khung cũng có thức ăn tự nhiên nên vài ngày sau khi thả mới tập cho lươn ăn ốc, cua xay nhuyễn, ngày 2 lần, sáng sớm cho ăn khoảng 1/3 lượng thức ăn, 2/3 cho ăn vào lúc tối. Thức ăn phải để nơi cố định, cách mặt nước khoảng 0, 5m để dễ kiểm tra lượng thức ăn thừa, thiếu. Lươn chủ yếu ăn ốc, cua, cá xay nhuyễn, lượng thức ăn cần tăng dần theo trọng lượng của lươn.

Trong hai tháng đầu lươn còn nhỏ chỉ cần thay nước 1 tuần /lần, từ tháng thứ 3-4 thay 2 ngày /lần. Với ao nuôi 40m­2, chị Thắm thả gần 40kg lươn giống, sau 4 tháng, lươn phát triển khá tốt, bình quân 3-4 con/kg. Với giá 80.000 đồng /kg như hiện nay, chị đã có thu nhập khá lớn so với những vật nuôi khác. Chị tâm sự: “Nuôi lươn, một vốn - bốn lời”.


Số lượt đọc: 1466 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác